PC Thừa Thiên Huế: 45 năm nỗ lực đầu tư phát triển nguồn, lưới điện

09:29 - 14/09/2020  |  2100 lượt xem

Chia sẻ
Là đơn vị thành viên trực thuộc Tổng công ty Điện lực miền Trung, trong 45 năm qua, PC Thừa Thiên Huế đã nỗ lực đầu tư phát triển nguồn lưới điện góp phần cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh và sản xuất, sinh hoạt của nhân dân các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên nói chung và tỉnh Thừa Thiên Huế nói riêng.
PC Thừa Thiên Huế: 45 năm nỗ lực đầu tư phát triển nguồn, lưới điện

Công nhân nhà máy điện Huế bảo đảm vận hành ổn định sau giải phóng Huế 1975

Ngày 26/3/1975 chính quyền quân quản tiếp nhận nhà máy điện Huế từ một nhóm 12 công nhân đã bám trụ kiên cường giữ nhà máy không để kẻ địch phá hoại trước khi rút chạy, bảo vệ an toàn cơ sở vật chất của nhà máy. Lúc tiếp nhận cơ sở vật chất, thiết bị máy móc của nhà máy điện Huế rất nhỏ bé chủ yếu là 10 máy phát điện diesel, cũ kỹ đã khai thác trên 20 năm với công suất huy động tối đa chưa tới 2,3 MW để phục vụ chiếu sáng cho sinh hoạt của nhân dân thành phố và các cơ quan của chế độ cũ; hệ thống điện vừa nhỏ lại phân tán với 41 trạm biến áp phân phối, tổng dung lượng 4,44 MVA, 135 km đường dây chủ yếu cấp điện áp từ 15kV- 3,15kV- 0,2 kV.

Sau ngày tiếp quản, dưới sự lãnh đạo của chi bộ Đảng mới được thành lập, hơn 100 cán bộ, công nhân lao động đã tập trung vừa khôi phục năng lực sản xuất ít ỏi hiện có, vừa nâng cấp mở rộng lưới phân phối ở những vùng trọng điểm; trước hết phục vụ các cơ sở công nghiệp, dịch vụ công cộng và các các cơ quan trọng yếu của tỉnh và một phần nhu cầu ánh sáng của nhân dân trong thành phố. Từ năm 1978 trở đi, phụ tải công nghiệp, điện sinh hoạt đã tăng nhanh với tốc độ từ 20- 30%. Để đáp ứng nhu cầu đó, Sở quản lý và phân phối điện của tỉnh đã có nhiều cố gắng trong việc bảo dưỡng, sửa chữa nguồn điện hiện có và lắp đặt thêm nguồn điện mới nhằm phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội và đời sống sinh hoạt của nhân dân. Vào những năm 1981, 1982, là thời kỳ nguồn điện ở Huế gặp rất nhiều khó khăn khi hầu hết các tổ máy phát điện cũ SIPEA của Pháp để lại bị hư hỏng, không có phụ tùng thay thế “ngày sửa chữa đêm chạy” được vài giờ lại hỏng, hôm sau lại tiếp tục sửa chữa và cứ lặp đi lặp lại như vậy trong suốt năm 1982, cố gắng lắm cũng chỉ phát được 0,6 MW. Với sự năng động, sáng tạo của lãnh đạo Sở quản lý phân phối điện trong một thời gian ngắn đã khôi phục được 4 tổ máy IDEAL ở trạm Tân Mỹ (một căn cứ quân sự của Mỹ) với công suất 1,2 MW; đồng thời đã đề nghị xin điều động 17 tổ máy G66 (các máy này đã đến thời kỳ đại tu) ở các điện lực miền Bắc để tăng thêm nguồn với tinh thần vừa thiết kế vừa thi công, chỉ trong 3 năm đơn vị đã lắp đặt xong với tổng công suất 9 MW, trong điều kiện máy cũ, thiếu phụ tùng, phụ kiện. Đặc biệt tháng 9/1984 Sở quản lý và phân phối điện tỉnh đã đóng điện đường dây 110kV Đồng Hới- Huế vận hành ở cấp điện áp 35kV đưa điện từ Quảng Bình vào Huế (lúc bấy giờ đang thừa) để tăng cường nguồn điện cho các trung tâm huyện lỵ của tỉnh. Tuy nguồn, lưới điện được bổ sung nhưng ngành Điện của tỉnh vẫn chưa theo kịp nhu cầu phát triển phụ tải, việc cung cấp điện vẫn ở thế bị động, phải thực hiện lịch đóng, cắt điện luân phiên. Nhiều ngày Sở quản lý phân phối điện tỉnh không chủ động được nguồn nên không thực hiện được lịch đóng cắt đã định trước. Đây cũng là một trong những nguyên nhân do thiếu điện làm chậm sự phát triển kinh tế- xã hội và ảnh hưởng đến sinh hoạt của nhân dân trong tỉnh.

 
Công nhân bảo dưỡng, sửa chữa tổ máy phát điện năm 1994

Ngày 30/6/1989 tỉnh Bình Trị Thiên (BTT) được chia lại thành 3 tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế. Để phù hợp địa giới hành chính tháng 10/1989 Sở Điện lực Thừa Thiên Huế trực thuộc Công ty Điện lực 3 được thành lập theo quyết định số 646/QĐ/NL/TC-CB-LĐ ngày 07/10/1989 của Bộ Năng lượng, trên cơ sở tách Sở Quản lý và Phân phối điện BTT. Sau khi chia tách tỉnh, cán bộ, công nhân lao động Sở Điện lực tỉnh Thừa Thiên Huế vừa tiếp tục củng cố nguồn điện cũ, mặt khác chỉ trong thời gian 18 tháng đã hoàn thành công tác vận chuyển, xây dựng và lắp đặt hoàn chỉnh nhà máy điện Ngự Bình 05 tổ máy Г72 và 02 tổ máy SKODA tổng công suất lắp đặt 7,9 MVA với các thiết bị khá hiện đại có nhiệm vụ phát bù để nâng công suất và điện áp cho các phụ tải. Ngoài nguồn điện được bổ sung, lưới điện của tỉnh từng bước được cải tạo từ cấp trung áp 3,3kV lên 6kV, lưới hạ áp từ 0,2 kV lên 0,4kV. Như vậy, đến cuối năm 1990 trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế đã có 26 tổ máy phát điện với công suất lắp đặt 9,25 MVA trong khi công suất cao điểm toàn tỉnh 17 MW nên phải thực hiện cắt điện luân phiên “đêm tắt, đêm đỏ”. Mặc dù đã bỏ rất nhiều công sức, trí tuệ nhưng sau 15 năm dài phấn đấu gian khổ những người thợ điện của tỉnh vẫn chưa thoát ra khỏi tình trạng thiếu điện. Sản lượng điện thương phẩm cuối năm 1990 đạt gần 51 triệu kWh tăng 3,8 lần so với năm 1975; Khối lượng quản lý 945 km đường dây trung hạ áp; 278 trạm trung gian và trạm phụ tải với tổng dung lượng trên 85 MVA; Khách hàng sử dụng điện 21.700; 50/130 xã phường thị trấn có điện đạt tỷ lệ 41,54%; Tỷ lệ hộ sử dụng điện toàn tỉnh đạt 47,5%.

Duy trì, củng cố và phát triển nguồn lưới điện

Tháng 4/1991 phụ tải của thành phố Huế được nhận điện từ lưới Quốc gia, ngoài nhận điện qua đường dây 35kV E6 về trung gian Huế 35/6kV- 2x6.300 kVA. Trạm trung gian Huế còn nhận công suất thừa của trạm 110kV E8 qua hai xuất tuyến 6kV E8 (mạch kép Dệt- An Cựu) để hòa vào thanh cái Ngự Bình và trung gian Huế. Nhà máy điện Ngự Bình vẫn làm nhiệm vụ phát bù công suất, bù điện áp vào cao điểm tối. Trong giai đoạn này tuy đã kết thúc vai trò lịch sử trong việc phát nguồn diesel tại chỗ để cấp điện cho nhu cầu phụ tải địa phương, ngành Điện của tỉnh đã chuyển sang giai đoạn nhận điện lưới Quốc gia từ đường dây 110kV Đồng Hới cấp vào Huế nhưng chất lượng điện áp không đảm bảo. Hiện tượng sụp đổ điện áp liên tục xảy ra có ngày từ 20 đến 30 lần do đường dây truyền tải dài phụ tải lớn. Cao điểm tối điện áp thanh cái 6kV nhiều lúc chỉ còn 3,8kV đến 4kV.

 
Bí thư Tỉnh ủy Vũ Thắng, tham gia khánh thành đóng điện trạm 110kV E6-Ngự Bình tháng 12/1990

Trong thời gian này, ngoài việc phải huy động toàn bộ nguồn diesel Ngự Bình phát bù nâng điện áp Sở Điện lực tỉnh thường xuyên tranh thủ sự quan tâm giúp đỡ của Trung tâm điều độ hệ thống điện miền Trung (A3) để điều chỉnh nâng điện áp đầu nguồn tại các trạm 110kV E6, E8 nhằm cấp điện ổn định cho các phụ tải. Từ tháng 4/1992 là giai đoạn đường dây 500kV một công trình lịch sử của đất nước được khởi công xây dựng và đóng điện giai đoạn I vào tháng 5/1994 và đến tháng 9/1994 trạm 500kV Đà Nẵng hoàn thành, các tỉnh miền Trung nói chung và tỉnh Thừa Thiên Huế nói riêng được nhận điện ổn định từ hệ thống điện quốc gia qua trạm 500kV Đà Nẵng kết thúc vai trò lịch sử của việc huy động nguồn phát điện tại chỗ, bước sang giai đoạn mới nhận điện lưới quốc gia. Năm 1994, Sở Điện lực tỉnh đã đóng điện đường dây 110kV và trạm 110/35/6kV- 25 MVA Văn Xá để cấp điện cho nhà máy Xi măng Luksvaxi.

Do thay đổi Bộ quản lý ngày 08/3/1996 Sở Điện lực Thừa Thiên Huế được đổi tên thành Điện lực Thừa Thiên Huế trực thuộc Công ty Điện lực 3 theo quyết định số 256/QĐ/ĐVN/TCCB-LĐ của Tổng công ty Điện lực Việt Nam. Giai đoạn này nguồn và lưới điện của tỉnh tiếp tục được củng cố. Tháng 10/1996 đã khôi phục và đóng điện đường dây 35kV Bình Điền- A Lưới và trạm trung giam Bốt Đỏ 35/15kV- 1.800 kVA đánh dấu mốc huyện cuối cùng của tỉnh Thừa Thiên Huế có điện lưới Quốc gia. Năm 1997 ngành Điện đã đầu tư đường dây 35kV và trạm trung gian Phú Thượng 35/6kV- 3.200 kVA và trạm trung gian Hương Vinh 35/6kV- 2x1.600 kVA khôi phục cấp điện trở lại trạm trung gian Bình Điền 35/10kV. Năm 1998 Điện lực đã tổ chức thực hiện cải tạo nâng cấp toàn bộ lưới điện thành phố Huế lên cấp điện áp 22kV với quy mô cải tạo hoàn chỉnh 126 km đường dây 22kV trên không bọc cách điện không hoàn toàn; 53 km đường dây 22kV cáp ngầm; 188 km đường dây hạ áp và 257 trạm biến áp có tổng dung lượng 75 MVA đi vào vận hành an toàn, nâng công suất và chất lượng cung cấp điện cho thành phố Huế với tổng số vốn đầu tư 217,2 tỷ đồng. Bằng các nguồn vốn ODA của chính phủ Pháp, vốn vay của Ngân hàng thế giới (WB) và vốn đối ứng trong nước. Do vậy, đã cải tiến đáng kể tình hình cung cấp điện, góp phần quan trọng tạo vẻ mỹ quan đô thị, xứng đáng với tầm vóc thành phố nơi có nhiều công trình được công nhận di sản văn hoá thế giới; tốc độ tăng trưởng phụ tải toàn tỉnh giai đoạn này luôn đạt từ 14 - 17%.

Tháng 9/1999 ngành Điện đã đóng điện trạm 110/22kV- 25 MVA Huế 2 (E7) đấu nối vào đường dây 110kV từ E4 (Quảng Trị)- E6 (Huế 1). Bảo đảm cấp điện cho các tuyến Tả Ngạn 1,3,4,5 của thành phố Huế. Tuy vậy, trận lũ lịch sử đầu tháng 11/1999 gây thiệt hại nghiêm trọng đến người và tài sản của nhân dân trong tỉnh. Ngành Điện của tỉnh cũng chịu chung thiệt hại nặng nề đó, ước tính thiệt hại trên 30 tỷ đồng. Do cơn lũ đã mở thêm một cửa biển Hoà Duân nên đã gây thiệt hại nghiêm trọng một km đường dây 22kV và một km đường dây 6kV làm cho 11 xã vùng duyên hải bị mất điện. Trong bão lũ tình cảm của cán bộ, công nhân lao động Điện lực và cán bộ, chiến sĩ đơn vị Hải đội 2 càng được gắn bó chặt chẽ hơn trong việc hiệp đồng phối hợp thi công gần một km đường dây 22kV nối liền hai bờ đập Hòa Duân bị chia cắt sau cơn lũ lịch sử năm 1999 với giá trị xây lắp 2,2 tỷ đồng, giúp nhân dân của 11 xã vùng duyên hải thuộc hai huyện (Phú Vang và Phú Lộc) kịp thời có điện để sản xuất, ổn định đời sống sinh hoạt và chào đón Thiên niên kỷ mới.

Đến cuối năm 2000 ngành Điện của tỉnh đã quản lý 05 trạm 110kV với công suất lắp đặt 141 MVA và 07 tổ máy phát điện với công suất phát tối đa 6,3 MW thỏa mãn nhu cầu phụ tải của tỉnh lúc này là 56 MW; Sản lượng điện thương phẩm đạt gần 243 triệu kWh tăng trên 24 lần so với năm 1975; Khối lượng quản lý đường dây trung hạ áp 2.330 km tăng trên 17 lần; Số trạm biến áp 946 trạm tăng 23 lần; tổng dung lượng trạm đạt 301 MVA tăng gần 95 lần; Khách hàng sử dụng điện toàn tỉnh đạt 37.700 tăng 15 lần; Số xã có điện 149/152 xã đạt 98%; Số hộ sử dụng điện toàn tỉnh đạt 79,15%.

Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Xuân Lý tặng hoa chúc mừng các đơn vị thi công và nghiệm thu đóng điện xã Hồng Thủy, A Lưới ngày 28/01/2003

Tập trung tiếp nhận và phát triển lưới điện nông thôn 

Trong giai đoạn từ năm 2000 đến 2010 bằng Dự án năng lượng nông thôn RE.I vay vốn WB và vốn khấu hao của Tổng công ty đã tiếp tục đầu tư tăng cường lưới điện cho khu vực nông thôn miền núi, vùng sâu, vùng xa tại 13 xã của huyện A Lưới, Nam Đông, Phú Lộc, Phong Điền với 58 trạm biến áp với tổng dung lượng 1,83 MVA và trên 77 km đường dây 22kV, 90 km đường dây hạ áp với tổng mức đầu tư gần 17,5 tỷ đồng. Công tác tiếp nhận, hoàn trả vốn lưới điện trung áp nông thôn được đơn vị hoàn thành trong tháng 5/2002 vượt trước một tháng theo quy định, với khối lượng tiếp nhận 157 công trình với trên 500 km đường dây trung áp và 468 trạm biến áp với tổng dung lượng 71 MVA, tổng giá trị còn lại gần 29 tỷ đồng. Công tác xóa bán điện qua công tơ tổng, từ năm 2001 đến 2003 đã hoàn thành 150 công trình với trên 8.000 công tơ bán lẻ.

 

Đóng điện khu vực Hói Mít, Hói Dừa thị trấn Lăng cô ngày 31/8/2005

Đặc biệt, ngày 28/01/2003, bằng cố gắng, nỗ lực của ngành điện và địa phương xã Hồng Thủy, huyện A Lưới là địa phương cuối cùng của tỉnh được nhận điện lưới quốc gia với quy mô 9,7 km đường dây 22kV, 6 trạm biến áp với tổng dung lượng 140 kVA, 7,0 km đường dây 0,4kV với tổng mức đầu tư trên 3,5 tỷ đồng nâng tổng số 152/152 xã, phường, thị trấn của tỉnh có điện lưới. Số hộ sử dụng điện khu vực nông thôn miền núi đạt 92% và không có xã nào có giá điện vượt giá trần quy định lúc bấy giờ là 700đ/kWh, góp phần đẩy mạnh sự nghiệp CNH-HĐH nông nghiệp, nông dân và nông thôn trên địa bàn toàn tỉnh. Năm 2003 Điện lực tiếp tục thi công đường dây và trạm biến áp cấp điện cho khu kinh tế thương mại- dịch vụ Chân Mây giai đoạn I và công trình cấp điện cho cửa khẩu S3 (Sanavan) và đóng điện ngày 16/5/2003 lập thành tích chào mừng 113 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại. Ngày 25/4/2003 Điện lực phối hợp với các đơn vị liên quan nghiệm thu đóng điện trạm 110/22kV- 25 MVA Phú Bài cấp điện cho 2 xuất tuyến 22kV góp phần nâng cao chất lượng điện năng, bảo đảm cung cấp điện liên tục ổn định phục vụ khu công nghiệp Phú Bài. Điện lực đã phối hợp chặt chẽ với các ban ngành địa phương, hoàn thành công tác chuyển đổi mô hình quản lý tổ chức điện nông thôn vào ngày 30/6/2004 đúng theo tiến độ đề ra được EVN và UBND tỉnh tặng bằng khen. Ngày 21/8/2004 ngành Điện đã tiến hành đóng điện thành công trạm biến áp 110/35/22kV- 25 MVA Lăng Cô đảm bảo cung cấp điện cho khu vực du lịch, dịch vụ Lăng Cô - Hải Vân và địa bàn phía Nam huyện Phú Lộc. Năm 2005 để ổn định nguồn điện cho phụ tải phía Nam của tỉnh, Công ty Truyền tải điện 2 đã tiến hành nâng dung lượng trạm biến áp 220/110kV- 40 MVA Huế 1 (E6) và nâng dung lượng trạm 110kV/35/6kV- 2x25 MVA Văn Xá cấp điện cho Nhà máy Xi măng Luksvaxi và phụ tải trên địa bàn phía Bắc của tỉnh.

Năm 2005, sau khi xảy ra sự cố nghiêm trọng lật tàu E1 gây thiệt hại về người và tài sản theo chỉ đạo của Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế ngành Điện đã đầu tư cấp điện cho khu vực Hói Mít, Hói Dừa đúng vào dịp Quốc khánh 02/9/2005. Tháng 12/2005, Điện lực đã phối hợp với Công ty truyền tải điện 2 đã đưa trạm biến áp 110/35/22kV- 25 MVA Phong Điền vào vận hành đảm bảo nguồn điện ổn định cho địa bàn phía Bắc tỉnh và hỗ trợ hiệu quả cho phụ tải của thành phố Huế và phía Nam của tỉnh Quảng Trị. Cũng trong năm 2005 Điện lực thực hiện tiếp nhận đường dây trung áp nông thôn và tiếp nhận 05 xã vùng ven thành phố Huế để bán điện đến tận hộ dân. Những năm 2006-2007 Điện lực đã tiếp nhận không hoàn trả vốn đầu tư tại 49 phường, xã, thị trấn để bán điện tận hộ dân với khối lượng 684 km đường dây hạ áp và 58.349 khách hàng nâng tổng số xã tiếp nhận 116/152 đạt 76,32%. Đến cuối năm 2010 trên địa bàn của tỉnh đã có 09 trạm 110kV với tổng công suất lắp đặt 431 MVA, thỏa mãn nhu cầu phụ tải của tỉnh lúc này đạt gần 163 MW; Sản lượng điện thương phẩm đạt 910 triệu kWh tăng gần 86 lần so với năm 1975; Khối lượng quản lý 3.469 km đường dây trung hạ áp tăng gần 26 lần; 1.730 trạm biến áp trung gian và trạm phụ tải tăng 42 lần với tổng dung lượng đạt 517 MVA tăng 158 lần; Khách hàng sử dụng điện 188.500 tăng trên 75 lần; 152/152 xã phường thị trấn có điện đạt tỷ lệ 100%; Tỷ lệ hộ sử dụng điện đạt 99,36%.

Đầu tư phát triển lưới điện đáp ứng với cuộc Cách mạng khoa học công nghệ

Ngày 31/7/2012 ngành Điện đã đóng điện trạm biến áp 110/22kV- 40 MVA Chân Mây và nhánh rẽ tổng mức đầu tư công trình 143 tỷ đồng. Cùng với việc nghiệm thu đóng điện trạm biên áp 110kV Chân Mây, Công ty đã tổ chức nghiệm thu và đóng điện xung kích đường dây 22kV cấp điện khu du lịch sinh thái Laguna- Lăng Cô với quy mô gần 8 km đường dây trung áp 22kV với tổng mức đầu tư khoảng 14 tỷ đồng đấu nối vào trạm 110kV Chân Mây. Đến cuối năm 2012 trạm biến áp 220/110kV- 125 MVA Huế 1 (E6) được đóng điện bảo đảm cấp điện cho tỉnh Thừa Thiên Huế. Đầu năm 2013 Điện lực đã đóng điện trạm biến áp 110/22/6kV- 2x25 MVA Đồng Lâm tại xã Phong An, huyện Phong Điền được kết lưới với đường dây 110kV Văn Xá - Đông Hà để cấp điện cho Nhà máy xi măng Đồng Lâm. Tháng 8/2015 trạm biến áp 110/22kV- 25 MVA Phú Thanh (Huế 3) và nhánh rẽ đã được đóng điện. Ngày 01/12/2015 trạm biến áp 110/22kV- 25 MVA Điền Lộc và nhánh rẽ thuộc dự án phân phối hiệu quả (DEP) được đóng điện.

 
Đóng điện xã Kăm Hoa - Cu Mực, A Lưới năm 2016 cấp điện cho đồng bào dân tộc

Ngày 09/01/2016, trạm biến áp 220/110kV- 2x125 MVA Huế 1 (E6) được nâng công suất vận hành lên hai máy biến áp với tổng mức đầu tư trên 61 tỷ đồng đảm bảo cung cấp điện an toàn, liên tục cho các phụ tải, góp phần phát triển kinh tế xã hôị, đảm bảo an ninh quốc phòng của tỉnh.

Ngày 16/9/2016 đóng điện mạch 2 đường dây 220kV Hòa Khánh - Huế với chiều dài 82 km. Đây là một trong những dự án truyền tải điện thuộc công trình năng lượng cấp 1 được thiết kế để kết nối các nhà máy thủy điện trên khu Tây Quảng Nam, trạm biến áp 500kV Đà Nẵng để cấp điện cho 2 tỉnh Thừa Thiên Huế và Quảng Trị. Ngoài ra, đường dây này còn có thể kết nối với Nhà máy Thủy điện A Lưới, Hương Điền, Bình Điền của tỉnh Thừa Thiên Huế, Nhà máy Thủy điện Rào Quán, Nhà máy Nhiệt điện Quảng Trị.

Đến cuối năm 2018 đã đóng điện trạm biến áp 220/110kV- 125 MVA, 01 ngăn xuất tuyến 110kV trạm 110kV Phong Điền, 04 xuất tuyến 22kV với tổng mức đầu tư gần 160 tỷ đồng đã đáp ứng nhu cầu điện ngày càng tăng cao của phụ tải khu vực, giảm tổn thất điện năng, tăng độ tin cậy cung cấp điện, góp phần phát triển kinh tế- xã hội của địa phương.

Suốt giai đoạn từ năm 2013 đến 2018 Công ty đã tiếp nhận 27/36 xã dự án REII thống nhất bàn giao và hoàn trả vốn vay với khối lượng 445 km, 41.862 công tơ và tiếp nhận thêm lưới điện hạ áp nông thôn các xã Lộc Tiến, huyện Phú Lộc, xã Thủy Tân, thị xã Hương Thủy, Phong An, Phong Sơn huyện Phong Điền…để bán điện tận hộ. Song song với công tác tiếp nhận lưới điện nông thôn từ năm 2009 đến 2019, Công ty đã đầu tư 556 công trình với khối lượng 620 km đường dây trung thế, 1.004 km đường dây hạ áp, 873 trạm biến áp với tổng dung lượng 225 MVA tổng giá trị 1.094 tỷ đồng và 6 dự án lớn của Tổng công ty với kế hoạch vốn gần 828 tỷ đồng được triển khai: Dự án năng lượng nông thôn REII phần hạ áp; Dự án năng lượng nông thôn REII phần trung áp; Dự án lưới điện phân phối nông thôn tỉnh Thừa Thiên Huế (RD); Dự án nâng cấp và mở rộng lưới điện phân phối nông thôn tỉnh Thừa Thiên Huế (ADB); Tiểu Dự án giảm cường độ phát thải trong cung cấp năng lượng điện (KFW2) và Tiểu Dự án cải tạo lưới điện trung hạ áp trung tâm huyện lỵ, thành phố tỉnh Thừa Thiên Huế (KFW3.1).

Ðến năm 2020, ngành Điện của tỉnh đã bán điện trực tiếp đến hộ dân nông thôn tại 143/152 xã, phường, thị trấn chiếm tỷ lệ 95,4% có 131.571/156.992 hộ dân nông thôn mua điện trực tiếp từ ngành Điện theo đúng biểu giá quy định của Chính phủ chiếm tỷ lệ 83,8%. Sau tiếp nhận ngành Điện luôn quan tâm, dành nhiều nguồn lực đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp lưới điện khu vực nông thôn, góp phần xây dựng nông thôn mới, diện mạo nông thôn ngày càng khởi sắc...Suất vốn đầu tư xây dựng lưới điện giai đoạn 2009-2019 bình quân hằng năm đạt 1,22 tỷ đồng/xã.

 
Thi công kéo dây vượt sông Đại Giang năm 2019

Qua 45 năm liên tục đầu tư phát triển nguồn, lưới điện đến nay Công ty Điện lực Thừa Thiên Huế đang quản lý 410 km đường dây 110kV và 11 trạm 110kV với tổng công suất lắp đặt 473 MVA, thỏa mãn nhu cầu phụ tải của tỉnh hiện nay là 290 MW; Sản lượng điện thương phẩm năm 2020 ước đạt 1,76 tỷ kWh tăng 176 lần so với năm 1975; Khối lượng quản lý 4.965 km đường dây trung hạ áp tăng trên 20 lần; 2.284 trạm biến áp trung gian và trạm phụ tải tăng gần 56 lần với tổng dung lượng 685 MVA tăng trên 54 lần; Khách hàng sử dụng điện trên 310.000 tăng 124 lần; 152/152 xã phường thị trấn có điện đạt tỷ lệ 100%; Tỷ lệ hộ sử dụng điện đạt 99,98%.

Lưới điện trung áp được quy hoạch phát triển theo tiêu chí N-1 đảm bảo cấp điện cho phụ tải, hỗ trợ nguồn giữa các trạm biến áp 110kV, 220kV. Công ty đã đưa vào vận hành Trung tâm điều khiển 110kV của tỉnh nhằm thu thập dữ liệu, giám sát, điều khiển xa 11/11 trạm biến áp 110kV trên địa bàn tỉnh chuyển từ trạm có người trực sang không có người trực. Công ty cũng là đơn vị đi đầu trong việc mở rộng hệ thống giám sát điểu khiển xa SCADA lưới điện trung áp, đã điều khiển xa được 195 nút trên hệ thống. Hệ thống này cho phép giám sát, điều khiển xa và thu thập thông số của thiết bị trên lưới điện, giúp nhanh chóng khôi phục cấp điện trong các trường hợp sự cố, đồng thời nâng cao năng suất lao động, hạn chế mất điện trong các trường hợp cắt điện sửa chữa lưới điện. Công ty đang tiếp tục ứng dụng công nghệ sửa chữa nóng lưới điện Hotline và áp dụng công nghệ đấu nối bypass lưới điện trung, hạ áp, tăng cường sử dụng máy biến áp lưu động, huy động máy phát để công tác tại trạm biến áp không mất điện khách hàng, khai thác hiệu quả cơ sở dữ liệu quản lý kỹ thuật và tài sản trên nền hệ thống thông tin địa lý GIS.

Tự hào nhìn lại chặng đường 45 năm vừa qua với bao nhiêu khó khăn, thử thách trong việc đầu tư nguồn, lưới điện phục vụ phát triển kinh tế- xã hội và sản xuất sinh hoạt của nhân dân, Công ty Điện lực Thừa Thiên Huế tin tưởng vào năng lực hiện có, chủ động nắm bắt thời cơ và vận hội mới, vượt qua mọi khó khăn và thử thách; thực hiện nghiêm túc ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại hội nghị tổng kết thực hiện kế hoạch của EVN năm 2019 và sự điều hành trực tiếp của Tổng công ty Điện lực miền Trung bằng mọi giải pháp đảm bảo cung cấp đủ điện cho nhu cầu phát triển của đất nước, thiết thực góp phần thực vào sự nghiệp công nghiệp hóa- hiện đại hóa quê hương, xây dựng Thừa Thiên Huế ngày càng giàu mạnh, sớm trở thành phố trực thuộc Trung ương theo Nghị quyết 54-NQ/TW ngày 10/12/2019 của Bộ Chính trị.

Hùng Sơn

09:29 - 14/09/2020  |  2100 lượt xem

Chia sẻ

TIN BÀI ĐỌC NHIỀU

EVNCPC thông báo tuyển dụng lao động

EVNCPC thông báo tuyển dụng lao động

08:51 - 25/09/2023  |  41838 lượt xem