Hướng đến kỷ niệm 45 năm Ngày thành lập Tổng công ty Điện lực miền Trung (07/10/1975-07/10/2020), Tổng công ty phát động cuộc thi viết “Đi cùng ánh sáng”. Cuộc thi đã nhận được tổng cộng 111 tác phẩm dự thi, gồm các thể loại phóng sự, bút ký, bài phản ánh, ký chân dung, tản văn, truyện ngắn... Trong đó, đăng ký bài dự thi cấp EVNCPC, các tác giả nội bộ EVNCPC đóng góp 49 tác phẩm; các tác giả bên ngoài EVNCPC tham gia 28 tác phẩm.

CÔNG TÁC CHẤM GIẢI
Để đảm bảo khách quan, các tác phẩm được ban tổ chức ẩn thông tin tác giả và bảo mật bằng mã số ngẫu nhiên trước khi bàn giao Ban giám khảo. Ban giám khảo đã tổ chức chấm thi với tinh thần nghiêm túc, trân trọng từng tác phẩm. Để việc chấm chọn khách quan, công bằng, khoa học, Ban giám khảo đã xây dựng Tiêu chí chấm giải. Các tác phẩm đoạt giải phải đáp ứng được các yêu cầu sau sau:
1. Tác phẩm viết về tập thể:
- Quy mô, thành quả đóng góp, sức lan tỏa và hiệu quả các hoạt động của tập thể (công ty, đơn vị) đối với ngành, khu vực, quốc gia, quốc tế; là tác nhân đóng góp thực sự hiệu quả vào quá trình phát triển của Điện lực miền Trung cũng như kinh tế - xã hội các địa phương;
- Dẫn chứng sự kiện, số liệu mang tính điển hình, có chọn lọc (tránh lạm dụng nhiều số liệu; và chỉ liệt kê số liệu “chay” như kiểu thống kê, báo cáo); từng sự kiện, số liệu nêu ra phải được phân tích, lý giải, nêu bật được ý nghĩa đặc biệt cũng như sự đóng góp vào lịch sử Điện lực miền Trung và cả nước;
- Bố cục bài viết khoa học, chặt chẽ; cách hành văn trôi chảy, hấp dẫn; không (hoặc rất ít) mắc lỗi văn phạm, chính tả; số lượng chữ đúng quy định.
2. Tác phẩm viết về cá nhân
- Nhân vật được chọn viết dự thi phải mang tính điển hình, ấn tượng, có nhiều nét độc đáo, đã hết mình cống hiến sức lực, trí tuệ vào sự nghiệp Điện lực miền Trung trong quá trình xây dựng, hình thành và phát triển, cũng như đối với các địa phương;
- Bài viết được xây dựng trên cái “tứ” sáng tạo; có nhiều chi tiết độc đáo, hấp dẫn và chân thật; văn phong giàu cảm xúc; không (hoặc rất ít) mắc lỗi văn phạm, chính tả; Số lượng chữ đúng quy định.
3. Tác phẩm chủ đề khác
- Những câu chuyện, hồi ức của người trong và ngoài ngành điện, của khách hàng…; về vẻ đẹp, sự cống hiến, không quản ngại gian khó, hy sinh của những người làm điện miền Trung đã làm thay đổi, hồi sinh những vùng đất, những cuộc đời…
- Câu chuyện, chi tiết chân thật; được thể hiện qua văn phong giàu hình ảnh, cảm xúc; Không (hoặc rất ít) mắc lỗi văn phạm, chính tả; số lượng chữ đúng quy định.
Từ các tiêu chí nêu trên, BGK đã tổ chức chấm qua 02 vòng.
Vòng Sơ khảo chọn được 39 tác phẩm (26 tác phẩm nội bộ, và 13 tác phẩm bên ngoài) Trên cơ sở đó, BGK quyết định các tác phẩm đoạt giải để đề xuất với lãnh đạo Tổng công ty để đánh giá, xem xét và quyết định giải thưởng. Kết quả xét giải cuộc thi cụ thể như đã công bố.
MỘT SỐ ĐÁNH GIÁ VỀ CÁC TÁC PHẨM ĐOẠT GIẢI
Về các tác giả/tác phẩm nội bộ EVNCPC
Trong tổng số 49 tác phẩm của các đơn vị thành viên thuộc EVNCPC gửi tham gia cuộc thi, quả thật rất khó khăn chọn ra 10 tác phẩm cuối cùng để trao giải (01 Nhất, 01 Nhì, 01 Ba, 07 Khuyến khích). Đặc biệt khi các tác phẩm này trước đó đã trải qua cuộc thi cấp đơn vị, được chọn lựa gắt gao từ nhiều tác phẩm khác.
Do vậy, BGK đã bám rất chặt vào các Tiêu chí mà mình đã đề ra từ đầu để chấm.
Theo đó, tác phẩm “Khi ngành điện đi trước một bước” (của tác giả Trần Quốc Khải từ PC Đà Nẵng) được chấm giải Nhất (cá nhân) của khối Nội bộ EVNCPC đã đáp ứng được đầy đủ nhất các tiêu chí trên. Tác phẩm đã nêu bật được tầm vóc và giá trị đóng góp lớn nhiều mặt của PC Đà Nẵng đối với sự phát triển vượt bậc của thành phố Đà Nẵng thời gian qua; đặc biệt đóng góp về tầm quốc gia, quốc tế trong trọng trách bảo đảm an toàn tuyệt đối nguồn điện phục vụ sự kiện Tuần lễ cấp cao APEC 2017 diễn ra tại Đà Nẵng. Bố cục, hình thức thể hiện tác phẩm chặt chẽ, sinh động, dẫn chứng cụ thể, tiêu biểu, mang tính chuyên nghiệp của một bài thuộc thể loại phản ánh…
Tác phẩm giải Nhì “CPCEMEC, thành công bắt nguồn từ những khát vọng” (của tác giả Trần Văn Quảng - CPCEMEC), kể lại hành trình sáng tạo cho ra đời chiếc công tơ điện tử đầu tiên tại miền Trung mang thương hiệu PC3-Computer, vẫn được người trong ngành gọi là chiếc “Công tơ huyền thoại” từ gần 20 năm trước. Tuy nhiên, nhớ lại thời điểm đó cũng đã xảy ra không ít “sóng gió” xung quanh sản phẩm công nghệ thông minh thế hệ đầu này. Nhưng đội ngũ kỹ sư của Điện lực miền Trung vẫn tự tin bước tiếp, và tiếp tục khẳng định sự đúng đắn, tính tiên phong sáng tạo của mình bằng việc cho ra đời hàng loạt sản phẩm công nghệ điện tử thông minh thế hệ mới, đóng góp lớn cho kinh tế-xã hội miền Trung và cả nước. Đây chính là minh chứng rõ nhất về công cuộc hiện đại hóa ngành điện miền Trung trong cuộc Cách mạng 4.0.
Về tác phẩm giải Ba “Điện về đảo - Rộng mở hướng phát triển cho Cù Lao Xanh (của tác giả Hồ Quang Thịnh - PC Bình Định), tuy tầm cỡ dự án không lớn bằng dự án kéo điện ra đảo Lý Sơn, nhưng bài viết đã phản ánh được tâm tư đa chiều, có lúc “kịch tính” của người dân và chính quyền địa phương. Như tâm trạng “thất vọng” của người dân địa phương khi dự án do tỉnh thực hiện đành bỏ dở, cho đến khi Chính phủ quyết định giao cho EVNCPC thực hiện dự án này. Niềm tin của người dân vào EVNCPC vì thế như được “nhân đôi”…
07 tác phẩm giành giải Khuyến khích, gồm: “Thắp sáng miền Trung và Tây Nguyên từ REI đến REII” (CREB); “Ngành điện miền Trung và hành trình đưa điện ra đảo tiền tiêu Lý Sơn” (PC Quảng Ngãi); Công trình điện xã Ngân Thủy - Quà tặng của Thủ tướng Chính phủ” (PC Quảng Bình); Ấm áp tấm lòng người thợ điện miền Trung” (PC Khánh Hòa); “Nhà báo” Hoa Hồng: Trải nghiệm thú vị và đam mê” (PC Phú Yên); EVNCPC - Đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong công tác Kinh doanh và Dịch vụ khách hàng” (PC Quảng Nam) và “Gặp nữ Chủ tịch Công đoàn đầu tiên” (PC Đăk Lăk). Đây là những tác phẩm tạo nên bức tranh khá toàn diện về lịch sử, hiện tại và cả tương lai của EVNCPC; là những câu chuyện, vùng đất, con người cụ thể, mang tính hấp dẫn, sinh động và nhân văn; chuyển tải được tình yêu và niềm tin của người ngành điện, và người dân với ngành điện miền Trung.
Về các tác giả/tác phẩm Bên ngoài EVNCPC
Không chỉ các đơn vị, cá nhân trực thuộc EVNCPC, cuộc thi này còn thu hút khá đông đảo những cây bút dự thi với tư cách cá nhân (tạm gọi là các tác phẩm/tác giả bên ngoài EVNCPC).
Tác phẩm giành giải Nhất “Anh hùng Thủy điện” - Huyền thoại trang sử EVN” kể về Anh hùng lao động, Tiến sĩ Thái Phụng Nê - một “huyền thoại” sống của ngành Điện lực Việt Nam. Câu chuyện trải dài từ những chi tiết xúc động về cuộc đời riêng tư của ông, cho đến những cống hiến không mệt mỏi suốt chiều dài gần 60 năm liên tục với cương vị chỉ huy những công trình thủy điện kỳ vĩ nhất đất nước. Cống hiến của ông với ngành điện không chỉ là sức lực, mà còn rất nhiều trí tuệ. Và nay dù đã 86 tuổi nhưng “huyền thoại” ấy vẫn say mê ấp ủ viết bộ sách lịch sử về ngành điện Việt Nam. Dù người con của dải đất miền Trung Thái Phụng Nê không trực tiếp gắn bó với Điện lực miền Trung, nhưng ông chính là người Thầy, là tấm gương sáng, niềm khích lệ đối với những người làm điện của miền Trung cũng như cả nước suốt nhiều năm qua.
Tác phẩm dự thi có một bố cục hợp lý, chặt chẽ; và dù viết về một nhân vật với rất nhiều thành tựu đặc biệt, nhưng giọng văn vẫn toát lên sự dung dị, chân chất, không bóng bẩy, “lên gân” như dễ gặp với nhiều cây bút khác.
Hai giải Nhì là một “cặp đôi” thú vị. Nếu tác phẩm “Cây sáng kiến Võ Văn Phương” được viết bởi tác giả trong ngành, thì “Thức cùng các anh – những người lính canh ánh sáng” tác giả là người “ngoại đạo”. Nếu người viết “Cây sáng kiến…” có một quá trình theo dõi, tìm hiểu về nhân vật là một Thạc sĩ Kỹ thuật điện mới 34 tuổi với những sáng kiến đặc biệt xuất sắc cấp quốc gia, thì người viết “Thức cùng các anh…” chỉ là những giây phút tình cờ chứng kiến hình ảnh những người thợ điện Đà Nẵng khắc phục sự cố dông sét đánh cháy trụ điện ngay trước nhà mình, trong khoảng thời gian 22h tối đến 1h30 sáng. Câu chuyện được kể lại một cách chân thật, hấp dẫn, có diễn biến trình tự, có cao trào, và nhiều cảm xúc. “Hơn 0h rạng sáng ngày 25/5/2020, công việc vẫn đang diễn ra càng cấp tập. Người thì vắt vẻo trên đỉnh trụ điện, người vận hành xe thang, người chuẩn bị các dụng cụ, tất cả đang rộn ràng ở một đoạn đường Ngô Quyền… 1h sáng, cả đội vẫn say sưa làm việc tốc lực với tinh thần sớm cấp điện sinh hoạt trở lại cho mọi nhà… Sau hơn 3 tiếng cật lực làm việc, đội xử lý sự cố điện đã hoàn thành nhiệm vụ và kịp thời cấp điện trong đêm. Cả đội gọi nhau í ới dọn dẹp mọi thứ, tiếng cười đùa rộn rã và lần lượt rời đi để lại không gian tĩnh lặng. Ánh điện mang đến niềm vui, tiếng reo mừng trong mỗi căn nhà suốt một tuyến phố dài. Ánh điện xua tan cái nóng, gia đình tôi lại có giấc ngủ ngon, tôi thở phào sau những gì đã diễn ra với mình…Tôi nhìn đồng hồ, 1h30 sáng. Tôi đã thức cùng các anh…”. Hơn tất cả, đây là minh chứng rõ nét nhất và xác thực nhất về sự tận tụy, hy sinh của những người lính “áo cam” trước sự chứng kiến và cảm phục của người dân, của khách hàng…
Trong ba tác phẩm giải Ba, gồm “Giấc mơ điện”, “Đôi điều về văn hóa doanh nghiệp EVNCPC”, và “Mấy vần thơ bất chợt khi kéo điện về miền núi”, thì “Giấc mơ điện” là tác phẩm đặc biệt gây xúc cảm và giàu chất văn chương, được viết rất chắc tay. Giấc mơ ánh điện “đêm rực sáng như bầu trời Xô Viết” theo chân một người lính Bộ đội Cụ Hồ từ giữa những trận đánh trên mọi nẻo chiến trường khốc liệt đến đời thường nghèo khó; từ mảnh đất Thanh Hóa quê nhà đến vùng kinh tế mới Tây Nguyên… Nỗi khát khao ánh điện đeo đuổi suốt cuộc đời người lính già, cho đến khi điều đó trở thành hiện thực. Đó cũng chính là giấc mơ, là nỗi khát khao chung của mọi người dân trên dải đất miền Trung một thời máu lửa và khó nghèo. “Giấc mơ ông, cuộc đời ông chỉ có những trăn trở vẹn nguyên như thế. Có điện là có phát triển, có văn minh, có các con ông lớn khôn trưởng thành… Giấc mơ điện giữa Trường Sơn, giấc mơ điện cùng những năm tháng khốn khó đón ông trở về bên chiếc radio rè rè, mỗi tết về mở bài ca chúc tết chờ các con trong ánh điện yên bình chốn quê! Trong những giấc mơ già nua xa xa, giấc chợp mắt trưa bên tiếng radio rè rè, ông vẫn thấy chàng trai tuổi đôi mươi áo lính băng Trường Sơn, pháo sáng rợp trời Quảng Trị, núi rừng hoang vu Đắk Lắk… giấc mơ điện về sẽ ấm no, hạnh phúc hơn!”.
“Mấy vần thơ bất chợt khi kéo điện về miền núi” là hồi ức đầy thú vị mà cảm động của một cán bộ lão thành ngành điện nghỉ hưu đến nay đã 15 năm. Gợi lại một thời gian khó của những người làm điện trên dải đất miền Trung khó nghèo, nhưng vẫn tràn đầy tinh thần lạc quan, yêu đời. Nó như bài học nhắc nhở thế hệ trẻ ngành điện hôm nay về một thái độ sống, một tinh thần làm việc vượt mọi khó khăn, thử thách.
Văn hóa doanh nghiệp là yếu tố quan trọng bậc nhất hiện nay đối với mỗi doanh nghiệp. Đặc biệt là với ngành Điện lực – ngành luôn “Làm dâu trăm họ” với những yêu cầu chính đáng mà cũng hết sức khắt khe đến từ người dân, khách hàng, và cả dư luận xã hội. Bản thân tính Nhân văn là yêu cầu cần thiết với mỗi doanh nghiệp, nhưng với ngành Điện, dường như yêu cầu ấy cần phải được nhân lên gấp đôi! Tác phẩm giải Ba “Đôi điều về văn hóa doanh nghiệp EVNCPC” đã nói lên được điều đó.
Về giải Tập thể
Theo Thể lệ cuộc thi, có 03 giải Tập thể (Nhất, Nhì, Ba) dành cho 03 đơn vị thuộc EVNCPC đóng có nhiều tác phẩm có chất lượng cao được đăng trang tin điện tử EVNCPC và có giải cá nhân.
Trên cơ sở đó, BGK quyết định trao giải cho các đơn vị sau:
- Giải Nhất: Công ty Điện lực Đà Nẵng (10 bài viết, có cá nhân đạt giải Nhất).
- Giải Nhì: Công ty Điện lực Phú Yên (10 bài viết, có cá nhân đạt giải Khuyến khích).
- Giải Ba: Công ty Điện lực Quảng Nam (7 bài viết, có cá nhân đạt giải Khuyến khích).
Cuộc thi viết “Đi cùng ánh sáng” đã khép lại, nhưng những cảm hứng được gợi mở từ các tác phẩm sẽ tiếp tục theo chân những người làm điện miền Trung, để tiếp tục hành trình lao động và cống hiến, sáng tạo nên những câu chuyện mới về ngành về nghề, sáng tạo nên những thành tựu mới với cùng Điện lực miền Trung.