“Anh hùng Thủy điện” - Huyền thoại trang sử EVN (*)

08:16 - 13/10/2020  |  2521 lượt xem

Chia sẻ
Năm 2016, lần đầu tôi đến nhà truyền thống của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN). Vào cửa, người đầu tôi nhìn thấy là một khuôn mặt hiền hậu phong trần, dáng đạo mạo với thân hình cao dong dỏng. Bác đang nói chuyện với đoàn từ Tổng công ty Điện lực miền Nam ra thăm. Lắng nghe, tôi thấy Bác minh mẫn lạ thường.
“Anh hùng Thủy điện” - Huyền thoại trang sử EVN (*)

Anh hùng Lao động - TS Thái Phụng Nê và tác giả tại nhà truyền thống EVN năm 2016

Bác nói đến những công trình, nhà máy, các dự án, tổ chuyên gia... nước ta, nước bạn. Giọng ấm áp chầm chậm, từ tốn không vấp váp với đầy đủ chứng cứ, số liệu, khiến người nghe phải «nuốt» từng chữ trong im lặng. Ngờ ngợ, một lúc sau tôi mới biết, bác là Tiến sĩ – AHLĐ Thái Phụng Nê, một nhân vật lịch sử đi vào «huyền thoại» của ngành điện Việt Nam.

Tôi đã nghe nói nhiều lần về bác, qua báo, đài, nhìn thấy bác qua ảnh tư liệu, qua truyền hình. Nhưng nay gặp trực diện thì vị Anh hùng ấy rất nỗi đời thường so với trong tiềm thức, nên tôi bỡ ngỡ là cũng dễ hiểu.

Người con ưu tú của miền Trung

Bác Thái Phụng Nê sinh ra ở Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên, là người con mảnh đất miền Trung thân yêu. Bác là biểu tượng của ngành điện, niềm tự hào của đất và người miền Trung với hai lần được phong tặng danh hiệu Anh hùng lao động.

Năm 2019 tôi lại có cơ hội gặp bác, qua trò chuyện, tâm sự, biết được bác đang ấp ủ ý tưởng để cho ra đời một bộ sách về lịch sử ngành Điện Việt Nam. Bác mong muốn để lại cho thế hệ sau một tư liệu tổng quan, chính xác và khoa học, khi cần tìm hiểu về lịch sử của ngành điện có thể dễ dàng tra cứu.

Cho đến nay dù đã bước qua tuổi 86 nhưng bác vẫn miệt mài làm việc như thời trai trẻ. Bác dành thời gian nghiên cứu điện hạt nhân và trăn trở với những câu chuyện của ngành điện. Lớp trẻ chúng tôi lại được hành trình ngược thời gian khi nghe bác nói về ngành điện Việt Nam.

Thủy điện ăn vào máu

Suốt chiều dài 56 năm đi cùng ngành điện của đất nước, bác đã có cuộc hành trình dài với mối lương duyên cùng thủy điện. Có 07 năm ở Thác Bà, 14 năm ở Hòa Bình, 03 năm ở Yaly rồi Thác Mơ, Hàm Thuận – Đa Mi, Sơn La. Bác kinh qua chức Trưởng ban Quản lý dự án Nhà máy Thủy điện Hòa bình, một công trình biểu tượng cho tình hữu nghị Việt – Xô, bác được các chuyên gia Liên Xô đánh giá cao về tài năng  và tư duy thủy điện. Cũng chính từ những cống hiến cho đại công trình này mà bác được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lao động lần thứ nhất.

Ngày ấy, khi chuẩn bị khởi công thuỷ điện Sơn La thì lũ tràn về, bác chỉ huy xử lý trong điều kiện rất nguy hiểm cho tính mạng con người. Nhưng bằng sự quyết tâm cao độ, bác đã cùng anh em đối phó quyết liệt với lũ dữ để giữ cho bằng được con đập; bảo đảm tính mạng cho cả ngàn con người, phương tiện dụng cụ đang làm việc phía dưới. Với quyết sách ngoạn mục trong lúc dầu sôi lửa bỏng, cộng với ý chí của những con người có mặt ngày hôm đó, lũ được đẩy lùi, công trình vượt lũ an toàn trong gang tấc. Mọi người thở phào nhẹ nhõm nhìn bác tươi cười thán phục. Bác để lại dấu ấn hết sức thuyết phục khi là người chèo lái, chỉ huy công trình này về đích sớm trước 03 năm so với yêu cầu của Quốc hội, nhờ đó mà đã tiết kiệm được hàng chục nghìn tỷ đồng cho ngân sách Nhà nước.
Ngày ngăn sông khởi công Thuỷ điện Hoà Bình cũng xảy ra sự cố. Khi đang làm nhiệm vụ thì canô bị lật, khiến 05 người bị chìm vào dòng nước xiết hung dữ; ứng cứu tại chỗ được 04 người, còn 01 người bị nước cuốn đi xa hơn 15km, mấy hôm sau anh ta quay về khiến ai cũng mừng rỡ. May mắn không có thiệt hại về người, chứ mất người thì niềm vui không trọn vẹn với Thủy điện lớn nhất Đông Nam Á này.

Cuốn từ điển sống

Qua hai lần gặp gỡ trò chuyện với bác, chúng tôi tường tận thêm về lịch sử ngành điện. Ánh điện đầu tiên ở nước ta đã có từ 1894, được phát ra từ Nhà đèn Vườn hoa Hải Phòng (750kW). Thủy điện đầu tiên của chúng ta được xây dựng từ 1927 – 1928, là Tà Sa, Nà Ngần (tỉnh Cao Bằng). Đó là điều mà bác Nê đã chứng minh được, chứ không phải là Thủy điện Suối Vàng như nhiều người đã nghĩ.

Năm 1964 khi mới bước vào ngành, tại thủy điện Thác Bà, giặc Mỹ ném bom xuống công trường làm 37 cán bộ, công nhân ngành điện hy sinh. Chứng kiến cảnh ấy, bác và các đồng nghiệp đau xót vô cùng, vậy là phải đứng dậy cầm súng để chiến đấu, vừa vì đồng đội vừa xây dựng công trình, công trường cũng là chiến trường.

Còn nhiều những công trình thủy điện hàng đầu khác do bác phụ trách, đặc biệt là đường dây siêu cao áp 500kV, bác đều nắm rõ từng số liệu, từng móng trụ, các thông số kỹ thuật... những khó khăn vướng mắc trong khảo sát, thiết kế thi công, đóng điện hòa lưới.... hỏi đến đâu Bác trả lời rành mạch tới đó. Chúng tôi dành cho Bác một sự cảm phục vô cùng.

Những trọng trách với Đảng

Với tài năng đức độ của mình, bác được Đảng, Nhà nước, Chính phủ tin tưởng giao những trọng trách quan trọng, góp phần không nhỏ vào thành công trên những công trình thủy điện của nước ta. Bác tham gia xây dựng Nhà máy thủy điện Thác Bà; Trưởng ban quản lý Dự án Thủy điện Hòa Bình; Phái viên của Thủ tướng Chính phủ, Phó ban chỉ đạo Nhà nước các dự án Thủy điện Sơn La, Lai Châu và chỉ đạo nhiều dự án thủy điện tầm cỡ khác.

Năm 1991, bác được bầu vào Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam. Tháng 10/1992, bác được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Bộ Năng lượng ; tháng 10/1998, làm Thứ trưởng Bộ Công nghiệp khi sáp nhập Bộ Công nghiệp nhẹ và Bộ Năng lượng. Năm 1999, bác làm Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên. Ở quê hương mình, bác vẫn dành thời gian cho các công trình thủy điện, như Sông Hinh, Sông Ba Hạ và Krông H’năng...

Từ 1992-1994, ở vị trí Bộ trưởng Năng lượng, bác được phân công làm Phó ban chỉ đạo Nhà nước về Dự án Đường dây 500 kV Bắc – Nam; từ 1995-2000, làm Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Điện lực Việt Nam; năm 2001 là Phái viên của Thủ tướng, Phó Trưởng ban chỉ đạo các dự án thủy điện Sơn La, Lai Châu.

Hy sinh tất cả những gì của riêng mình

Được biết, người bạn đời của bác vốn là người chịu thương chịu khó, dốc hết lòng chăm sóc, lo toan cho gia đình. Nhờ đó bác Nê mới có thể toàn tâm, toàn ý dành cho công việc. Sự nghiệp của bác phần lớn là nhờ công lao của bác gái, người phụ nữ suốt đời tảo tần hy sinh cho chồng con. 

Do đam mê với thủy điện, công việc cứ cuốn lấy bác, nên bác Nê ít có thời gian về thăm gia đình. Nghe kể, có lần ra Hà Nội họp, đi qua nhà mà không kịp tranh thủ ghé vào, bác gái biết được, cũng buồn. Nhưng vì đại sự, vì những bản thiết kế, bản vẽ cần phải có bác nên Bác gái cũng cảm thông.

Khi đang tất bật với thủy điện Hòa Bình thì một tai họa ập đến với gia đình bác, người con trai duy nhất của bác chẳng may qua đời khi mới 16 tuổi. Sự đau xót đến tận cùng không có gì bù đắp nổi. Nhưng nhận được động viên, quan tâm chia sẻ của Đảng, Nhà nước và đồng nghiệp, nén đau thương mất mát, bác Nê tiếp tục về với thủy điện.

Thành tích chói chang

Năm 2012, bác vinh dự được Đảng và Nhà nước trao Huy hiệu 50 năm tuổi đảng. Sau những tháng ngày đằng đẵng xa nhà ăn ngủ với thủy điện, cứ hết dự án này rồi đến dự án khác, làm việc không ngơi nghỉ, vừa xong thủy điện Sơn La lại tham gia thủy điện Lai Châu khi đã 80 tuổi mà cứ như đôi mươi.

Bác chỉ “thật sự” về hưu năm 2013, sau khi từ chối nhận danh hiệu Anh hùng lao động lần thứ hai với lý do “Tôi đã có danh hiệu ấy sau khi làm xong thủy điện Hòa Bình và Ialy rồi”.

Năm 2015, nhân dịp kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt - Pháp, Đại sứ Pháp đã thay mặt Tổng thống Pháp trao Huân chương Bắc đẩu Bội tinh cấp Hiệp sĩ (Huân chương cao quý nhất của Cộng hòa Pháp) cho Tiến sĩ Thái Phụng Nê.

Dưới chân một tượng đài

May mắn được gặp Bác hai lần, ngồi trò chuyện trao đổi với bác, ít nhiều tôi cũng hiểu thêm về cây đại thụ ngành điện nước nhà. Bác đã hy sinh cả cuộc đời, thậm chí cả hạnh phúc của riêng mình để đóng góp cho ngành điện Việt Nam, các công trình thủy điện lớn nhỏ đều có hình ảnh bác ở đó. Bác là tấm gương sáng về tinh thần hăng say lao động cho tập thể ngành điện noi theo.

Bên cạnh bác, tôi cảm thấy tự tin hơn nhiều, bác chia sẻ những dấu ấn kỷ niệm mà hôm nay tôi ngồi ghi lại trong nỗi tự hào chứa chan. Nhớ những điều bác tâm đắc, những công trình bác dành nhiều trí tuệ, thời gian nghiên cứu, những tình cảm lớn lao mà đồng nghiệp và bè bạn quốc tế dành cho bác trong quá trình chỉ đạo, quản lý xây dựng các công trình thủy điện của nước ta. 

Chắc chắn rằng nhân dân miền Trung rất đỗi tự hào, vì người con của quê hương “Đất Phú – Trời Yên” đang là một tượng đài của ngành điện Việt Nam. Với bản tính khiêm tốn, nhiệt huyết, chân thành, Bác đã có những công hiến to lớn cho nhành điện Việt Nam nói chung và những thành tựu qua 45 năm xây dựng và phát triển của Tổng công ty Điện lực miền Trung nói riêng.

Nghe bác nói, chúng tôi mở được cõi lòng, nhiều điều thắc mắc lâu nay được tháo gỡ một cách nhẹ nhõm. Những điều chỉ đọc qua sách báo hôm nay được nghe bác Thái Phụng Nê - Cố vấn của Tập đoàn Điện lực Việt Nam truyền đạt, đã tạo ra một sức mạnh, một niềm tin rất lớn cho lớp trẻ chúng tôi.

Bác chỉ cho chúng tôi từng tấm ảnh quý treo trân trọng nhà truyền thống của EVN. Qua câu chuyện bác kể, những con số bác đưa ra, tôi có cảm giác như đang đọc cuốn Bách khoa toàn thư dưới một tán cây đại thụ.

----------------------------

 (*) Bài viết đạt giải Nhất cuộc thi viết "Đi cùng ánh sáng", khối tác giả bên ngoài EVNCPC.

Lê Văn Tám

08:16 - 13/10/2020  |  2521 lượt xem

Chia sẻ

TIN BÀI ĐỌC NHIỀU

EVNCPC thông báo tuyển dụng lao động

EVNCPC thông báo tuyển dụng lao động

08:51 - 25/09/2023  |  41828 lượt xem