Giấc mơ điện (*)

07:32 - 14/10/2020  |  1987 lượt xem

Chia sẻ
Năm ấy đơn vị ông được lệnh kéo cờ vào Nam chiến đấu trong một đêm tối bí mật. Điểm dừng chân là bờ Bắc sông Bến Hải. Mọi bước chân hành quân đều băng rừng ban đêm. Trong những đêm giữa Trường Sơn, ông từng được nghe đôi mẩu chuyện từ cấp trên, từ đồng đội về những ánh sáng điện rực trời đất nước Xô Viết. Trong trái tim ông bỗng vẽ một giấc mơ vẹn nguyên về những ngôi làng thanh bình không chiến tranh, đêm buông xuống sáng lung linh là ánh sáng điện như bầu trời Xô Viết. Sáng cả con sông Hoạt ngàu màu mận chín uốn quanh làng ông… Ước mơ ông về một thứ ánh sáng thanh bình như thế.

Người lính già Trần Trung Thanh

Người lính già đi qua cuộc chiến không chỉ gửi lại tuổi trẻ mà còn để lại một phần thân thể ở nơi nào đó trên Tổ quốc thiêng liêng. Làng quê nơi ông ra đi, bóng dáng làng nhiều lần xuất hiện trước mắt ông trong cơn sốt rét, trong tiếng thở của đồng đội ông trước lúc hi sinh. Làng ông nghèo uốn quanh con sông cạn nhưng nó mang trong ông nỗi nhớ day dứt và hứa hẹn ngày trở về. Tối đến, cả ngôi làng chìm trong bóng tối, mỗi đêm trăng sáng bọn trẻ lại tận dụng khoảng sân đình đầu làng để chơi trận giả. Ông đã ước mơ về một thứ ánh sáng lung linh cho ngôi làng hiền hòa quê ông như trong cổ tích. Cấp trên của ông nói đó là thứ ánh sáng của hiện đại, của sức mạnh xã hội chủ nghĩa, rồi sẽ đến một ngày ánh sáng đó về đến làng ông.

Năm 1969, người thanh niên Trần Trung Thanh mới hơn 17 tuổi đang học tại xã Hà Giang (Hà Trung - Thanh Hóa) đã tình nguyện viết đơn xin nhập ngũ. Chớm tuổi 18, người thanh niên ấy rời làng vào quân đội. Sau một thời gian tham gia công tác tuyển quân, huấn luyện, năm 1972, Trần Trung Thanh được lệnh cùng với các đơn vị vào Nam chiến đấu. Điểm dừng chân là bờ Bắc sông Bến Hải, đó là những tháng ngày Quảng Trị mùa hè đỏ lửa giành giật từng tấc đất với quân thù. Trong ký ức đôi mươi của người cựu chiến binh, các địa bàn Triệu Phong, Gio Linh, Cam Lộ, Ái Tử mà ông chiến đấu đều vô cùng ác liệt. Đơn vị của ông khoảng 165 anh em, chủ yếu là thanh niên chưa vợ, để bảo vệ Thành Cổ - Quảng Trị năm ấy, sau khi được lệnh rút ra chỉ còn lại chưa đầy 30 tay súng với thương tật, với vết hằn chiến tranh. Quảng Trị những năm tháng ấy là đêm của những tính toán chiến thuật. Đêm chỉ có lấp lánh đầy bom đạn pháo sáng trộn trạo với sao sa. Giữa hai ca tác chiến mà mỗi trận đều ý niệm điền tên mình trong giấy báo tử cho ngày mai, vẫn thấp thoáng trong giấc mơ ông - sẽ có một ngày Quảng Trị đêm rực sáng như bầu trời Xô Viết. Thứ ánh sáng yên bình. Đêm của Quảng Trị sẽ không căng thẳng như những ngày tháng này, khi Hội đàm Paris chưa nghiêng hẳn về bên nào. Những ngôi làng của Triệu Phong, Cam Lộ sẽ có ánh điện treo cao cho đội thiếu niên hát bài ca yêu nước. Thành Cổ Quảng Trị sẽ yên bình cả trong đêm tĩnh mịch để đồng đội ông trò chuyện về thứ ánh sáng họ đã chiến đấu, đã mơ. Ông cũng thế, nếu biết đâu nằm lại ở Thi Ông hay giữa dòng Thạch Hãn. Giấc mơ điện sáng của ông lại lan tỏa từ ngôi làng ra đi đến những làng quê đầy xác bom của Quảng Trị năm 1972. 

Đêm, bóng tối thật căng thẳng của chiến thuật, của xương máu đồng đội và kể cả của kẻ thù. Quảng Trị ơi, trong những giấc chợp mắt giữa hai trận đánh, ông mơ về những ngôi làng Quảng Trị rợp ánh sáng điện hòa bình! Ngày ấy sẽ đến khi hòa bình phải không? 

Đồng đội của ông cũng vậy, đều ra đi từ những làng quê nghèo, trong những câu chuyện họ kể nhau nghe giữa hai trận đánh có những cánh đồng cải quá vụ nở hoa vàng ươm, có người thương trên cánh đồng dâu tằm… nhưng thuở ấy các làng quê vẫn thiếu ánh điện. 

Nhận được lá thư duy nhất của người yêu nơi chiến hào Quảng Trị để hứa hẹn chuyện đời. Ngày đọc trong chiến hào để mơ về hậu phương. Trong cái đêm bị thương nhạt nhòa đáy mắt, ông gói lại lá thư trong giấc mơ giăng giăng điện, để mỗi nét chữ người yêu sáng lên nỗi niềm nhớ thương.

Giữa khói lửa Quảng Trị, những ngôi làng Quảng Trị hoang tàn đau đớn, ông đau cắt ruột như chính sông Hoạt, sông Đò Lèn, sông Mã oằn mình trong bom. Ông bị thương tại Quảng Trị, giữa bờ vực sống chết, giấc mơ về ánh sáng điện thắp sáng đêm Quảng Trị, đêm làng nhỏ ven sông Hoạt của ông thấp thoáng đan xen. Với những “dũng sỹ diệt Mỹ” như ông, Quảng Trị chiến thắng ngời sáng, tạo đà cho bàn đám phán Paris. 

Sau đó không lâu Đoàn Điện lực Đ73 lịch sử được hình thành. Sau khi Hiệp định Paris có hiệu lực, tháng 5/1973, Bộ Điện Than đã thành lập Đoàn công tác Đ73 vào Quảng Trị để tiếp quản, khôi phục và phát triển hệ thống điện trên vùng đất mới giải phóng mà chủ yếu là tập trung vào việc cấp điện ánh sáng sinh hoạt cho một số cơ quan tại khu vực Đông Hà, đồng thời vận hành các máy phát điện diesel rải rác phục vụ cơ quan Chính phủ Cách mạng lâm thời cộng hòa miền Nam Việt Nam tại Cam Lộ, các cơ quan của tỉnh tại Cam Thanh, phục vụ điện cho các đợt trao trả tù binh phía bắc bờ sông Thạch Hãn, đặc biệt là phục vụ các sự kiện lớn như đón tiếp Chủ tịch Cuba Phiđen Caxtrô và Thủ tướng Phạm Văn Đồng vào thăm vùng giải phóng Quảng Trị tại Đông Hà, Cam Lộ, phục vụ đại sứ các nước trình Quốc thư lên Chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ tại trụ sở của Chính phủ Cách mạng lâm thời cộng hòa miền Nam Việt Nam ở Cam Lộ... Người lính Trần Trung Thanh để lại giấc mơ mới nhen về ánh sáng điện lại Quảng Trị chưa kịp ngắm nhìn thứ ánh sáng mà các ông gọi là ánh sáng như bầu trời Xô Viết, ánh sáng của hòa bình… Đơn vị ông tiếp tục hành quân chiến đấu giải phóng nhiều làng mạc khác của Tổ quốc cho đến khi non sông liền một dải.

Ông vẫn nhớ những bước chân hành quân không mỏi thọc sâu qua Đường 9 Nam Lào, hành quân từ Gia Lai xuống trong khi cùng lúc Quân đoàn 2 đánh chiếm Buôn Mê Thuột. Sau khi vượt sông Đồng Nai, đơn vị của ông được lệnh tác chiến đánh tại Nam Tân Uyên (Bình Dương). Trên đường, hai xe tăng của đồng đội đã bị dính mìn tăng nổ tung, tất cả đồng đội trên xe hi sinh. Những người lính như ông trong khoảnh khắc ấy gào thét, đau đớn… Anh em nhòe cay nước mắt, cào bới xác xe, mấy chục anh em của ông trên xe hi sinh mà giờ chỉ gom được một rổ vụn thi hài đồng đội. Đồng đội của ông đang tiến trên con đường chiến thắng, để trở về những ngôi làng trong giấc mơ điện giữa Trường Sơn các ông vẫn kể nhau nghe. Sao không đợi nhau đi đến ngày chiến thắng! Các ông muốn thăm đồng đội của mình trong những đêm có ánh sáng hòa bình. Cũng như Quảng Trị, có hòa bình, có phát triển sẽ có hàng ngàn giấc mơ điện thành hiện thực… Đồng đội ơi!

Đường điện trên cánh đồng quê ông Trần Trung Thanh

Hòa bình, phục viên trở về làng Chánh Lộc là những năm tháng cả nước tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội. Đất nước bắt đầu rơi vào khủng hoảng, người lính Trần Trung Thanh cũng bắt đầu cuộc sống gia đình đầy khó khăn. Làng ông nghèo lắm, làng trung du của vùng quê Thanh Hóa, đất cằn cỗi. Những ngày tháng triền miên trong đói kém, thiếu thốn lương thực, chạy gạo ăn từng bữa len qua sự ngăn cản của cơ chế. Chánh Lộc có đến non nửa làng rủ nhau đi làm ăn vùng khác hi vọng cuộc sống tốt hơn. Những năm tháng đói kém nhất, gia đình dắt díu nhau bỏ làng vào Tây Nguyên xây dựng kinh tế mới, bỏ lại giấc mơ xưa, giấc mơ về ngôi làng tràn ngập ánh sáng điện giữa chiến trường mà thời bình ông quên bẵng trong cái đói khát của các con. Ông quên bẵng niềm vui ngày đầu đóng điện năm 1991, cả làng ông ăn mừng, ông ngắm bóng điện tròn giữa nhà cả đêm nhớ về từng câu chuyện Trường Sơn, câu chuyện Quảng Trị. Nhớ những đồng đội của ông một vài người có giấc mơ như ông giờ trôi dạt nơi nào trên Tổ quốc thiêng liêng. Nhưng các con đói, cùng với anh em, người thương binh muốn thay đổi ở một vùng khai hoang mới. Điểm dừng chân là một thôn vùng sâu vùng xa của xã Krông Jing - M’Drắk - Đaklak. Nơi ấy giấc mơ về những ánh sáng điện còn thăm thẳm, xa xôi hơn ngôi làng nghèo nàn bên sông Hoạt của ông. 

Sau một thời gian khai hoang, em trai ông quyết tâm ở lại xây dựng Đắc Lắc. Còn ông, có những buổi chiều, bỗng nhớ da diết cánh đồng nghèo bên sông có hàng điện bắc ngang. Có bọn trẻ nằm trên bờ đê đếm nhìn từng dãy chim sẻ trên dây điện. Có điện sẽ có sự phát triển. Nông thôn sẽ đổi thay, làng ông cũng thế và Krông Jing chắc cũng sẽ vậy. Ông trở về làng và vẫn không nguôi về giấc mơ thôn Ea Tê sẽ có điện sáng mọi gia đình. Nơi đó giữa rừng có em trai ông cùng một tình yêu mãnh liệt với núi rừng, buôn làng Đắc Lắc. Đến tận những năm 2010 khi cả nước tưng bừng với những thắng lợi của công nghiệp hóa, hiện đại hóa, giấc mơ điện trong căn nhà của em trai vẫn chưa thành hiện thực. Nơi mà bọn trẻ phải đi học xa thật xa, hàng xóm cách nhau tận 3 km hay tính bằng ngọn đồi. Khoảng năm 2012 với nửa vườn mía bán đi, tự túc đường dây, bóng điện đầu tiên mới được kéo vào nhà bằng những cây cột gỗ tự chế. Mỗi bận mưa giông cả nhà thấp thỏm lo bóng điện giữa rừng lại mất. Điện ở đây yếu và quý nâng niu như một thành viên trong gia đình, nó chỉ đủ sức để thắp sáng, nó không thể vừa quạt vừa chạy cái máy xay nước mía… nhưng nó mang về cả một giấc mơ về đêm. Sau này nhờ cột phát sóng của Viettel, không phải căng điện qua cây cột gỗ, mưa giông giữa rừng cả gia đình bớt lo dở đoạn giấc mơ của ánh sáng. Ông nói, giấc mơ điện của Ea Tê thật nhọc nhằn, đến giờ điện vẫn nhập nhoạng như thế, nhưng nếu ai cũng bỏ đi, không có những người yêu núi rừng như em trai ông thì ai sẽ xây dựng giấc mơ cho Ea Tê. Hai anh em cười xòa bên cánh quạt điện vừa tự tắt do điện yếu…

Các con trưởng thành, cái đói cái nghèo đã lùi xa, nhưng đâu đó trong ánh mắt người cựu binh vẫn còn nhiều hoài niệm. Đồng đội cũng dần về gặp nhau hết ở bên kia thế giới, nơi có những trận đánh, nơi có những nỗi kinh hoàng của chiến tranh và nơi ấy có những giấc mơ bây giờ ít thấy: Giấc mơ điện! Chặng đời ông đi qua đã thấy, đã nghe, đã trở mình trong khung trời đầy gió của đất nước qua những gam màu tối sáng của màn đêm và ánh sáng điện. 

Làng Chánh Lộc lại đón ông về, sông Hoạt vẫn thủy chung vẹn tình giữ lại giùm ông những ký ức đẹp tươi qua mỗi mùa nước đổi. Những đường điện quê giăng qua cánh đồng lại đón ông. Làng trong ông thủy chung và đong đầy như thế. Làng của ông, nơi ông tình nguyện nhập ngũ để những giấc mơ về những ánh điện thành hiện thực. Những nơi cuộc đời ông đã đi qua rực rỡ trong sự phát triển của ánh điện mang lại. Đồng đội ông nằm lại Quảng Trị có còn kể nhau nghe về những giấc mơ ánh điện Xô Viết giữa Trường Sơn? Thạch Hãn, Cam Lộ, Thi Ông… những nơi ông sống ngày và đêm thuở ấy đã hiện đại hóa cùng điện lưới quốc gia. 

Giấc mơ ông, cuộc đời ông chỉ có những trăn trở vẹn nguyên như thế. Có điện là có phát triển, có văn minh, có các con ông lớn khôn trưởng thành… Giấc mơ điện giữa Trường Sơn, giấc mơ điện cùng những năm tháng khốn khó đón ông trở về bên chiếc radio rè rè, mỗi tết về mở bài ca chúc tết chờ các con trong ánh điện yên bình chốn quê! Trong những giấc mơ già nua xa xa, giấc chợp mắt trưa bên tiếng radio rè rè, ông vẫn thấy chàng trai tuổi đôi mươi áo lính băng Trường Sơn, pháo sáng rợp trời Quảng Trị, núi rừng hoang vu Đắc Lắc… Giấc mơ điện về sẽ ấm no, hạnh phúc hơn!

---------------------

(*) Bài viết đại giải Nhì cuộc thi viết "Đi cùng ánh sáng" - khối tác giả bên ngoài EVNCPC

Lê Thị Hiệp

07:32 - 14/10/2020  |  1987 lượt xem

Chia sẻ

TIN BÀI ĐỌC NHIỀU

EVNCPC thông báo tuyển dụng lao động

EVNCPC thông báo tuyển dụng lao động

08:51 - 25/09/2023  |  41838 lượt xem