Mấy vần thơ bất chợt khi kéo điện về miền núi (*)

14:27 - 14/10/2020  |  1924 lượt xem

Chia sẻ
Hai mươi năm về trước, Ban Quản lý dự án lưới điện Công ty Điện lực 3 (nay là BQLDA lưới điện Miền Trung) được giao quản lý xây dựng dự án lưới điện 35kV, trong đó có các dự án kéo điện về các huyện miền núi. Lúc bấy giờ, nhiều huyện treeb địa bàn vẫn chưa được cấp điện lưới, như Krông Bông, Madrăk, Easoup tỉnh Đăk Lăk; huyện Minh Hóa, Tuyên Hóa tỉnh Quảng Bình v.v...

Khởi công công trình cấp điện nông thôn (Ảnh: TL)

Lúc đó tôi đang làm Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án lưới điện, đến làm việc với UBND các huyện để thực hiện các dự án về đầu tư xây dựng lưới điện, như xin cấp đất, lập phương án đền bù cho dân khi lưới điện đi qua v.v... cần có ý kiến của UBND huyện. Thuở đó, những huyện ấy khát điện như đứa con khát sữa mong chờ mẹ. Do vậy, các lãnh đạo huyện rất phấn khởi, sẵn sàng tạo điều kiện thuận lợi để dự án được triển khai và mong cho mau hoàn thành để sớm đưa điện về địa phương họ.

Thế nhưng "lực bất tòng tâm", không dễ dàng gì để thực hiện theo ý muốn vì gặp rất nhiều trở ngại. Trong đó, trước hết là trở ngại về đường giao thông quá tệ. Các con đường dẫn đến huyện, hầu như là những con đường đất, khi mưa thì đất lầy lội, xe bị lún không đi được. Mùa khô thì đầy bụi, đầy ổ gà, xe chạy gập ghềnh rất vất vả...

Song với tinh thần khẩn trương đưa điện về vùng sâu, vùng xa, miền núi, chúng tôi đã cố gắng vượt qua mọi gian khó và đôn đốc đơn vị thi công khắc phục khó khăn, đẩy nhanh tiến độ. 

Những lần tôi đến làm việc với UBND huyện, tuy đường sá xấu như vậy, nhưng sau khi vượt qua rồi, đến nơi thì hầu như nỗi mệt nhọc quên hết, bởi sự niềm nở tiếp đón của các đồng chí Bí thư, Chủ tịch và các cán bộ huyện. Chúng tôi vui vẻ cùng họ bắt tay vào cuộc họp bàn công việc để công trình sớm hoàn thành.

Tại huyện Krông Bông, ngoài con đường lầy lội, còn gặp cầu hư như cầu Giang Sơn, xe phải chạy rất chậm từng chút một để qua khỏi cầu! Tuy gian khổ nhưng khi công trình sắp hoàn thành đóng điện thì rất vui. Trong lúc ngồi với lãnh đạo huyện, tôi làm vội bốn câu thơ đọc cho mọi người nghe:

"Đường lên huyện núi Tây Nguyên,
Gập ghềnh khúc khuỷu ngả nghiêng thân người.
Huyện nhà đón khách tươi cười,
Điện ba lăm sẽ sáng ngời quê ta!"(**)

Nghe xong các cán bộ, lãnh đạo lấy làm thích thú, vì phản ảnh đúng thực trạng. Họ thấy vui sướng bởi câu: "Điện ba lăm sẽ sáng ngời quê ta". Một cán bộ huyện ứng khẩu đọc tiếp: "Điện về, ngày ấy không xa!". Mọi người khoái chí cùng nhau cười ha hả…

Rồi đến huyện Tuyên Hóa. Từ Đà Nẵng đi ô tô dọc theo Quốc lộ 1, qua sông Gianh đến Ba Đồn, rẽ theo tỉnh lộ về phía tây... Lại đi phà qua tiếp 02 nhánh sông Gianh nữa mới đến được UBND huyện. 

Đến nơi làm việc với UBND, đồng chí Chủ tịch và các đồng chí cán bộ của huyện vui tươi đón tiếp, hai bên trao đổi xong phần công việc chính, đồng chí Chủ tịch lại tranh thủ hỏi tôi: "Điện về huyện lỵ như kết quả làm việc là tốt, nhưng trong huyện có Thanh Hóa, một vùng đông dân và kinh tế phát triển mà chưa có điện, muốn có điện cấp cho vùng đó phải làm sao?".

Tôi trả lời là sẽ phải lập dự án rồi xin vốn cấp để thi công kéo điện 35kV đến đó. Vị Chủ tịch rất mừng và ấp ủ hy vọng.

Trong bữa cơm trưa vui vẻ, tôi khởi hứng làm mấy câu thơ “con cóc” rồi đọc luôn trong bữa ăn:

"Qua ba lần sông Gianh,
Tôi lại về Tuyên Hóa,
Chủ nhà thật vồn vã,
Tiếp khách rất mặn nồng.
Điện ba lăm trên không (**)
Sẽ đưa về Thanh Hóa".

Một trận cười giòn giã… Vui nhất là đồng chí Chủ tịch huyện, tràn trề hy vọng về một ngày nào đó dòng điện 35 kV sẽ được đưa về Thanh Hóa.

Quả thật không lâu sau đó, qua các bước thủ tục, dự án cấp điện được duyệt để đầu tư xây dựng, vì ưu tiên cho các huyện nghèo miền núi, nên sớm được tiến hành thi công và điện đã đến được vùng Thanh Hóa.

Cấp điện vùng cao (Ảnh: TL)

Bây giờ đến huyện A Lưới. Lại cũng lần đầu tôi mới đến huyện này. Lúc đó, tôi đi qua phà Tuần ở Huế để đi lên. Gọi là “đi lên” vì thật sự con đường đến huyện cứ cao dần, cao dần... và phải qua sông suối, đèo dốc, như đèo Mẹ Ơi, đèo Mỏ Quạ cheo leo, quanh co, tôi tức cảnh làm bài "Đường lên A Lưới":

Đường lên A Lưới cheo leo,
Băng sông vượt núi qua đèo Mẹ Ơi…
Dốc cao như dẫn lên trời,
Quanh co "Mỏ Quạ" chơi vơi gập ghềnh...
Khó khăn ta vẫn cứ lên,
Vì dòng điện sáng tỏa trên huyện đèo.

Lùi lại thời gian đầu những năm 80 của thế kỷ trước, tỉnh Quảng Nam Đà Nẵng chưa có lưới điện 110kV mà chỉ có mấy cụm máy điện diesel nên thiếu điện trầm trọng, Bộ Điện - Than lúc đó cùng với UBND tỉnh muốn xây một nhà máy nhiệt điện chạy than công suất 120 MW gọi là “Nhiệt điện Cầu Đỏ”. Do vậy, cần xây dựng trước nhà máy thủy điện An Điềm để dùng nguồn điện khởi động cho nhà máy nhiệt điện. 

Thế nhưng sau khi có ý kiến phản đối vì ống khói cao gây trở ngại cho máy bay ở sân bay Đà Nẵng cất cánh, ngoài ra vì xét thấy nhiều khó khăn và tốn kém chi phí khi vận chuyển than từ Quảng Ninh vào, các vấn đề về ô nhiễm môi trường v.v… nên phải hủy bỏ dự án “Nhiệt điện Cầu đỏ”. Bây giờ càng thấy việc bỏ dự án này này là sáng suốt.

Tuy hủy bỏ dự án Nhiệt điện Cầu Đỏ, nhưng nhà máy thủy điện An Điềm đã tiến hành thi công thì vẫn tiếp tục.  

An Điềm là vùng núi thuộc xã Cà Dăng huyện Hiên, nằm tận phía tây bắc huyện Đại Lộc. Để đến An Điềm, thì từ Đà Nẵng đi xe đến Đại Lộc rồi theo đường đất đi lên, Con đường này lúc ấy mới tệ hại làm sao!

Một lần từ An Điềm trở về Đà Nẵng, chiếc xe uoát chở tôi và Giám đốc cùng anh em cơ quan tạm rời công trường. Khi đến Hà Nha huyện Đại Lộc thì xe bị lún bùn không tiến lên được. Tôi vào nhà dân mượn cuốc, xẻng ra đào gạt lớp bùn dày nằm bên trên, nhưng xe vẫn không chạy được, trời thì sắp tối. Đám thanh niên trong xóm đến đứng bên đường xem…

Để quên nỗi mệt nhọc, tôi vừa đọc thơ vừa nói chuyện với đám thanh niên này. Họ rất vui nghe nên bảo tôi hãy làm thơ tả cảnh mắc kẹt xe này đi. Thế là nhìn con đường đất lầy lội và cát đổ chống lầy của xe nào đó trước đây, tôi suy nghĩ ít phút rồi đọc lên một thế này: "Lầy Hà Nha, cát Hà Nha, xe qua đều bị lún!". Đám thanh niên khen hay và cổ vũ tôi hãy làm tiếp câu thứ hai. Tôi lại suy nghĩ một chốc rồi ứng khẩu đọc: "Trai Hà Nha, gái Hà Nha, xe qua cùng nhau đẩy". Họ vỗ tay tán thưởng.

Trong lúc này, anh em cơ quan dùng ván lát, kích bánh xe lên và đào cho sạch bùn, xong xuôi ròi nhờ đám thanh niên cùng hợp lực đẩy xe lách qua một bên để đi tới. Xe nổ máy chạy, mọi người vui mừng lên xe và cảm ơn đám thanh niên để về Đà Nẵng. Khi tôi về đến nhà đã 20 giờ đêm.

Sau này trở lại những con đường ngày xưa, thì khác lạ, toàn bộ được láng nhựa phẳng phiu, xe bon bon chạy, không còn thấy cảnh gian khổ như thuở nào.

Đã bao năm trôi qua, tôi đã về hưu hơn 15 năm rồi, nhưng mỗi lần nghĩ lại công việc làm điện ở các huyện miễn núi ngày ấy, vẫn ấn tượng sâu sắc những công việc thật là vất vả, gian nan cùng đơn vị. Tuy vậy vẫn thấy rất vui. Với những câu thơ dân dã bất chợt nảy ra vào những thời điểm như thế đã làm tôi quên đi những mệt nhọc ngày ấy để tiếp tục công việc đến thành công, đưa dòng điện đến với người dân ở các địa phương đang khát điện. 

-----------------------------

(*) Bài viết đạt giải Ba cuộc thi viết "Đi cùng ánh sáng" - khối tác giả bên ngoài EVNCPC

(**) Điện áp 35kV

Đỗ Hùng Luân

14:27 - 14/10/2020  |  1924 lượt xem

Chia sẻ

TIN BÀI ĐỌC NHIỀU

EVNCPC thông báo tuyển dụng lao động

EVNCPC thông báo tuyển dụng lao động

08:51 - 25/09/2023  |  41813 lượt xem