Lắp đặt đèn laser đuổi chim nhằm giảm sự cố trên lưới điện

07:36 - 09/09/2021  |  2143 lượt xem

Chia sẻ
Khắc phục sự cố trên lưới luôn là một trong những tiêu điểm quan trọng trong công tác vận hành an toàn lưới điện. Trong số các sự cố gặp phải tại các TBA 110kV, trạm trung gian hay trên lưới điện thì phần lớn do chim chóc gây ra.

Số sự cố điện do chim chóc gây ra tại PC Thừa Thiên Huế trong năm năm 2019 chiếm 10,26%, một tỉ lệ tương đối cao. Bên cạnh đó, nhân lực tại đơn vị hiện nay không đủ để giám sát theo dõi lưới điện do các trạm 110kV ở xa, hiện đang vận hành không người trực và hệ thống lưới điện trải dài. Các biện pháp phòng chống phổ thông như: đèn nhấp nháy, dây nilon phản quang hay còi hú đuổi chim chỉ mang tính nhất thời, chưa thực sự đem lại hiểu quả cao trong việc ngăn chặn sự cố do chim chóc gây ra.

Trước tình hình đó, PC Thừa Thiên Huế đã đưa ra ý tưởng lắp đặt đèn laser để đuổi chim bằng cách dùng một thiết bị tạo tia laser với thông số kỹ thuật: Bước sóng 532nm để cho ra tia sáng màu xanh lục, tia chiếu ra với đường kính 13-15mm, điện áp đầu vào 12VDC, công suất đầu ra 200mW, chiếu xa 1,2km. Một bộ mô-tơ để giúp thiết bị trên có thể di chuyển theo trục dọc và ngang. Một tấm pin năng lượng mặt trời và bộ chuyển mạch để chuyển điện áp phù hợp với các thiết bị. Một camera hồng ngoại có khả năng quan sát cả ngày lẫn đêm và một camera nhiệt phát hiện vật thể phát ra nhiệt ở phía sau một vật thể khác. Một thiết bị Raspberry Pi 3 để vận hành, lập trình các hoạt động cho camera.

Khi thiết bị hoạt động, camera sẽ quét vào các vị trí máy biến áp hay cột điện, ghi hình và so sánh với các ảnh dữ liệu được quy định là có vật thể lạ, sau đó chiếu đèn quanh khu vực được định sẵn. Thiết bị vận hành theo chế độ bán tự động, nghĩa là con người có thể điều khiển nó từ xa.

  
Hình ảnh minh họa về thiết bị

Qua kết quả kiểm tra trên thực tế, khi chiếu tia ánh sáng laser màu về phía những con chim, chúng sẽ tự động bay đi ngay lập tức. Nếu ý tưởng này được đưa vào áp dụng sẽ giúp đẩy lùi chim chóc hiệu quả trên khoảng cách xa và không gian rộng, đảm bảo xua đuổi được chim trong các phạm vi được định sẵn.

 
Hình minh họa tầm hoạt động rộng của thiết bị

Trong khi hầu như mọi phương pháp truyền thống đều phải chọn tiếng ồn làm tiêu chí bắt buộc để xua đuổi chim chóc như: đèn nhấp nháy, dây nilon phản quang hay còi hú thì thiết bị lại thân thiện với môi trường do không hề gây ra một tiếng ồn. Thiết bị còn có tính cơ động rất cao nhờ khả năng hoạt động độc lập và không phụ thuộc vào nguồn điện, điều này giúp người vận hành có thể khảo sát và lắp đặt tại hệ thống tại các vị trí đem lại hiệu quả cao nhất.

Xem xét về khả năng mở rộng, thiết bị có thể được gắn trên robot tự hành tại các TBA, đây cũng là đề tài nghiên cứu khoa học năm 2020 mà PC Thừa Thiên Huế đã đăng ký. Khi đó, robot tự hành sẽ di chuyển quanh TBA mang theo đèn laser và chiếu đèn để xua đuổi chim, chuột kết hợp khi kiểm tra định kỳ trong trạm. Trường hợp robot có tích hợp camera quan sát và bộ điều khiển trung tâm thông minh thì có thể phát triển thêm khả năng tự động nhận dạng hình ảnh để chỉ chiếu đèn laser mỗi khi phát hiện chim bay vào vùng quan sát trong trạm.

Với các thiết bị chính của hệ thống đã sẵn có trên thị trường nên việc lắp đặt cấu hình hoàn thiện là khả thi với chi phí đầu tư vào khoảng từ 15 triệu đến 20 triệu đồng. Khi triển khai lắp đặt tại các TBA 110kV, trạm trung gian hoặc gần các vị trí cột trên lưới phân phối thường xuyên xảy ra sự cố điện do chim chóc gây ra, thiết bị sẽ góp phần đảm bảo an toàn cho lưới điện, giúp giảm tối đa sự cố trên lưới điện do chim chóc gây ra.

Nguyên Quang

07:36 - 09/09/2021  |  2143 lượt xem

Chia sẻ

TIN BÀI ĐỌC NHIỀU