CPCCC: Hành trình về với Quảng Trị - vùng đất anh dũng, linh thiêng
16:07 - 18/06/2022 | 911 lượt xem
Chia sẻ
Vào một buổi sáng oi bức của tiết trời mùa hè cuối tháng Năm, đoàn công tác của Trung tâm Chăm sóc khách hàng Điện lực miền Trung (CPCCC) lên xe di chuyển về vùng đất Quảng Trị đầy nắng gió. Sau khi kết thúc chương trình học tập, trao đổi kinh nghiệm thực tế trong công tác kinh doanh và dịch vụ khách hàng, chiều ngày 27/5/2022 đoàn công tác của CPCCC đã có thời gian đi thăm những di tích lịch sử, ghi dấu một thời ác liệt trong cuộc kháng chiến chống Mỹ của vùng đất Quảng Trị, đến đây để cảm nhận sự thiêng liêng của mảnh đất anh hùng, nơi đó thấm đẫm máu đào của quân và dân ta trong cuộc kháng chiến trường kỳ, hào hùng của dân tộc.
Đầu giờ chiều, đoàn công tác xuất phát từ thành phố Đông Hà đi đến địa đạo Vịnh Mốc thuộc huyện Vĩnh Linh. Trên đường chúng tôi dừng chân ghé thăm cầu Hiền Lương – cây cầu bắc qua sông Bến Hải, là chứng tích ghi lại sự khốc liệt của chiến tranh và cũng là chứng tích của nỗi đau chia cắt. Năm 1954, khi hiệp định Geneve được ký kết, đất nước tạm thời chia đôi ở vĩ tuyến 17. Sông Bến Hải trở thành một vết hằn trong lịch sử, với cây cầu Hiền Lương nối bờ hai miền Bắc - Nam. Chúng tôi đứng đó ngắm nhìn cây cầu trong sự bình yên của hiện tại nhưng trong lòng lại quặn lên một nỗi buồn man mác, nỗi buồn khi nghĩ về những năm tháng đau thương ở nơi đây, nỗi đau đến tột cùng với lời ước hẹn 2 hai năm đoàn tụ bến bờ Hiền Lương, nhưng rồi phải đằng đẵng mấy mươi năm. Để sông Bến Hải bên nhớ, bên thương oằn mình chịu bom đạn quân thù. Vợ “bên nớ”, chồng “bên ni” vò võ mong chờ, thương nhớ. Cây cầu nhỏ thôi mà đã gánh trên vai suốt cả một chặng sử dài oanh liệt. Trên khúc sông rộng vỏn vẹn chưa đầy 100 mét, cây cầu bắc qua giới tuyến dài 178 mét với 894 tấm ván mà bây giờ chỉ mất vài phút bộ hành là có thể đi qua, vậy mà cả dân tộc đã ròng rã mấy ngàn ngày mới nối được đôi bờ.

Đoàn được đặt chân đến di tích lịch sử Đôi bờ Hiền Lương – Bến Hải
Chia tay cầu Hiền Lương, chúng tôi tiếp tục hành trình xuôi dòng lịch sử đến với di tích hầm làng địa đạo Vịnh Mốc – huyền thoại “lũy thép anh hùng”. Đến đây chúng tôi được nghe hướng dẫn viên giới thiệu về sự hình thành và kiến trúc của địa đạo cũng như cách người dân nơi đây đã sống và chiến đấu trong những năm tháng bị đế quốc Mỹ dội bom ác liệt. Hiện nay phía trong địa đạo đã có hệ thống điện thắp sáng cho du khách tham quan nhưng chúng tôi vẫn phải cần thêm sự hỗ trợ của đèn pin từ điện thoại để có thể nhìn rõ hơn các chi tiết bên trong. Được nhìn tận mắt, được nghe thuyết minh và được chạm vào “thành lũy thép”, ấn tượng đầu tiên của chúng tôi là sự ngỡ ngàng, ngỡ ngàng vì sức chịu đựng của ông cha ta thật phi thường, có thể sinh sống, chiến đấu hơn 2.000 ngày đêm trong môi trường chật hẹp, ẩm thấp với điều kiện sống khó khăn như vậy. Rồi cảm xúc từ ngỡ ngàng nhanh chóng chuyển sang khâm phục. Chúng tôi thật sự khâm phục sức mạnh trí tuệ, sự sáng tạo phi thường của người xưa đã thiết kế nên địa đạo này. Sự kiên trì, lòng quả cảm, đoàn kết và khát vọng sống mãnh liệt của quân và dân Vĩnh Linh năm xưa đã tạo nên một trong những ngôi làng hầm kiên cố và khá đầy đủ những công năng phục vụ cho khoảng 94 hộ dân và các chiến sỹ, bao gồm phòng khám chữa bệnh, hội trường, nhà hộ sinh, nhà vệ sinh, hầm chứa nước và 13 lối thoát hiểm.

Lắng nghe những lời kể chuyện về những ngày khốc liệt tại địa đạo Vịnh Mốc
Rời địa đạo Vịnh Mốc với sự khâm phục trong lòng, chúng tôi di chuyển về khu di tích Thành Cổ Quảng Trị trong buổi chiều tà còn vương nắng, đoàn được viếng các anh hùng liệt sĩ tại Đài Tưởng niệm Thành Cổ - nơi lưu giữ ký ức về sự kiện 81 ngày đêm năm 1972, là địa chỉ đỏ để giáo dục truyền thống yêu nước của quân dân Việt Nam. Xin mượn lời nhà thơ Lê Trung Sơn để bày tỏ niềm xúc động nghẹn ngào khi đến Thành Cổ Quảng Trị:
"Anh sẽ về Quảng Trị cùng em
Qua Triệu Phong ghé vào thăm Thành Cổ
Thắp nén nhang cho người nằm dưới cỏ
Đứng lặng nhìn nước mắt ngỡ trời mưa..."
(Anh sẽ về - Lê Trung Sơn)
Thật may mắn, chúng tôi đến Thành Cổ vừa kịp lúc nhân viên Đài tưởng niệm sắp hết giờ làm việc, cả đoàn có cơ hội được dâng vòng hoa, dâng hương để viếng các anh hùng liệt sĩ trong không khí trang nghiêm và bồi hồi xúc động. Giữa bầu không khí trầm lắng và đượm buồn của ánh hoàng hôn rực đỏ, qua từng lời kể bồi hồi nghẹn ngào của anh hướng dẫn viên, chúng tôi những người con được sinh ra và lớn lên trong hoà bình, độc lập như được ngược dòng thời gian quay về với Thành Cổ của những năm tháng rực lửa ấy. Cùng hoà mình vào những đoàn người đã xếp lại bút nghiên lên đường ra trận, các anh đã bỏ lại sau lưng mẹ già, gia đình thân yêu và những ước mơ, khát khao, hoài bão của tuổi trẻ để chiến đấu và hi sinh tại mảnh đất nơi đây. Chúng tôi thấy mình như đang đứng giữa trận chiến ấy, nghe rõ tiếng bom đạn dày xéo bên tai, như thấy được từng nhành cây, ngọn cỏ, từng tấc đất chúng tôi đang đứng đã nhuộm máu đỏ và thân xác của các anh… Các anh ngã xuống khi tuổi đời đa phần còn rất trẻ nhưng tất cả một lòng quyết tử vì Tổ quốc quyết sinh. Cảm xúc được đẩy lên cao trào khi chúng tôi được nghe đọc lại những lời tâm sự gửi gắm trong lá thư của liệt sĩ Lê Văn Huỳnh, xen lẫn trong lời kể của hướng dẫn viên là những dòng nước mắt và tiếng nấc nghẹn ngào của cả đoàn. Trong thư những tâm tình anh gửi cho mẹ già, anh mong: “Mẹ đừng buồn, coi như con đã sống trọn đời cho Tổ quốc mai sau…". Anh nhắn gửi người vợ thân yêu chỉ mới kết hôn và chung sống cùng nhau vẻn vẹn 7 ngày rằng: “Anh rất muốn được sống mãi mãi bên em. Song vì chiến tranh thì em ơi hãy gạt nước mắt cho đời trẻ lại. Giờ đây anh biết nói gì với em, chỉ mong em khoẻ, yêu đời”. Và thư có câu “Em ơi, đừng buồn, khi được sống trong hoà bình hãy nhớ tới công anh” câu nói ngắn gọn nhưng là thông điệp mà ông cha ta muốn nhắn nhủ cho thế hệ con cháu của thời bình, hãy luôn ghi nhớ, trân trọng, bảo tồn lịch sử của dân tộc, để thấy thêm tự hào, thêm yêu đất nước và là lời nhắc nhở mỗi người chúng ta càng phải trân quý giá trị của độc lập, tự do và hòa bình. Và hơn hết sau chuyến tham quan, chúng tôi đều cảm nhận được sự đau thương mà chiến tranh đã gây ra cho cả dân tộc Việt Nam nói chung và của mảnh đất nơi đây nói riêng. Trong sự bi thương đến tột cùng đó là sức mạnh đoàn kết và sự bất khuất kiên trung của một dân tộc oai hùng đã xây dựng nên cuộc sống bình yên và hạnh phúc của ngày hôm nay.
Chúng tôi chia tay Thành Cổ Quảng Trị để lên đường trở về Đà Nẵng khi mặt trời đã khuất bóng trong một tâm trạng bịn rịn và không muốn rời xa. Đối với chúng tôi đây thực sự là một chuyến đi đầy ý nghĩa khi vừa được đi thực tế, học tập tại đơn vị vừa có cơ hội được xuôi dòng lịch sử để hiểu, trân trọng những cống hiến và hi sinh của quân dân vùng đất Quảng Trị anh dũng, linh thiêng. Nhưng cuộc hội ngộ nào rồi cũng phải đến lúc chia tay, tạm biệt Quảng Trị, hẹn gặp lại một ngày không xa.