Cách tính tiền cho việc sạc ôtô điện

16:40 - 23/06/2022  |  2335 lượt xem

Chia sẻ
Thời gian gần đây, hàng loạt mẫu xe điện của nhiều hãng nổi tiếng đã được tung ra tại thị trường Việt Nam, có thể kể đến các dòng xe như KIA EV6 của KIA, Hyundai Ioniq 5 của Hyundai, VF e34/VF8/VF9 của Vinfast hay các mẫu xe điện nhỏ giá 75 triệu đồng “Made in Thái Lan”. Điều này cho thấy sự thay đổi lớn trong tư duy của người dùng: chuyển đổi từ phương tiện truyền thống chạy bằng động cơ đốt trong sang xe chạy bằng năng lượng điện và mối quan tâm chính của những người đang cân nhắc mua xe điện là cơ sở hạ tầng cho sạc.
Cách tính tiền cho việc sạc ôtô điện

Sạc nhanh cho ô tô điện

Ngay sau khi các hãng lần lượt trình làng các mẫu ô tô điện tại Việt Nam, rất nhiều hãng công nghệ đã giới thiệu với người dùng các mẫu trạm sạc của mình bao gồm trạm sạc/sạc nhanh công cộng và các bộ sạc công suất nhỏ lắp đặt tại gia đình hoặc công sở - những nơi xe ô tô điện có thể dừng đỗ lâu.

Sạc xe điện vừa là cung cấp năng lượng vừa là cung cấp dịch vụ, không giống như xăng chỉ như một loại hàng hoá. Cách tính giá xăng đơn giản và thống nhất đó là bán theo lít. Còn sạc cho ô tô điện thì giống như một dịch vụ hơn là một sản phẩm, vì thế cách tính tiền cũng rất khác nhau. Cách thực hiện quá trình sạc sẽ quyết định cách tính tiền cho việc sạc ô tô điện. Có thể liệt kê như sau:

•    Cách dễ dàng nhất là sạc tại nhà bằng bộ sạc kèm theo xe hoặc bộ sạc của các hãng khác có công suất cao hơn bộ sạc đi kèm. Với cách sạc này, giá mỗi kWh sẽ là giá điện sinh hoạt mà khách hàng mua của Điện lực. 

•    Sạc tại các trạm sạc công cộng: Những trạm sạc này có công suất sạc lớn hơn rất nhiều so với bộ sạc đi kèm theo xe, giúp thời gian sạc được rút ngắn đáng kể. Thế nhưng cách tính tiền cho cách sạc này cũng rất khác nhau, có khi là miễn phí. 

Một số nhà cung cấp dịch vụ sạc tính tiền theo kWh được nạp vào xe. Giá này sẽ được tính dựa trên các chi phí như giá điện mua từ Điện lực; tổng mức đầu tư trạm sạc (bao gồm mức đầu tư trạm sạc, phí thuê mặt bằng); lưu lượng sạc dự kiến; chi phí vận hành bảo dưỡng; thời gian khấu hao dự kiến; lợi nhuận mong muốn.

Tính tiền dựa theo thời gian sạc: Đối với những trạm sạc nhanh, khi pin xe gần cạn thì quá trình sạc sẽ diễn ra rất nhanh. Khi pin đạt 50% dung lượng, quá trình sạc diễn ra chậm hơn. Sau thời điểm đạt 80% dung lượng pin, công suất sạc sẽ giảm đi đáng kể, làm kéo dài thời gian sạc đầy. Do đó, chủ xe sẽ phải cân nhắc việc có nên sạc đầy hay không vì khi đó sẽ đúng nghĩa đen của câu “Thời gian là tiền bạc” . Bạn sẽ chọn sạc đầy hay chỉ sạc đến 80% dung lượng pin?

Miễn phí việc sạc cho ô tô điện: Để khách hàng của mình quên đi mối quan ngại về việc sạc khi phải di chuyển quãng đường dài, các hãng sản xuất ô tô điện sẽ đầu tư hệ thống các trạm sạc công cộng công suất lớn ở khắp nơi và không tính phí sạc. Và có lẽ, khoảng chi phí này đã được nhà sản xuất cộng thêm vào giá bán. Hoặc để giảm phát thải khí CO2, Chính phủ sẽ tài trợ cho các dự án trạm sạc công cộng nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân thay đổi dần thói quen sử dụng phương tiện di chuyển, từ đó góp phần giúp đạt được các cam kết về phát thải khí nhà kính.

Tự hào là đơn vị đóng góp 03 sản phẩm/giải pháp “Make by EVN”, Trung tâm sản xuất thiết bị đo điện tử Điện lực miền Trung (CPCEMEC) đã nghiên cứu và sản xuất thành công trạm sạc nhanh xe ô tô điện. Sau khi phối hợp cùng PV Oil lắp đặt 03 trạm sạc nhanh xe ô tô điện chuẩn sạc CHAdeMO, CPCEMEC đã có được thành công bước đầu khi sản xuất và cung cấp ra thị trường 03 trạm sạc nhanh xe ô tô điện (với chuẩn sạc CHAdeMO, có thể nâng cấp phương thức chuẩn CCS2). Việc này sẽ góp phần xây dựng cơ sở hạ tầng cần thiết cho việc đưa ô tô điện trở nên phổ biến tại Việt Nam, góp sức cùng Chính phủ đạt được mục tiêu tiết giảm khí thải CO2 – mục tiêu Net Zero vào năm 2050.

Hiện nay, ngoài việc hoàn thiện nhiều phương thức tính tiền cho việc sạc ô tô điện tại các trạm sạc nhanh (tính tiền dựa theo số kWh được sạc hay theo thời gian sạc), CPCEMEC đang tiếp tục thiết kế và sản xuất dòng sản phẩm bộ sạc xe điện dùng cho cá nhân sạc qua đêm tại nhà hoặc công sở (nơi xe ôtô điện có thể dừng đỗ lâu). Công suất các bộ sạc này sẽ nằm trong khoảng 7 – 11 kW. Mức công suất sạc này sẽ lớn hơn bộ sạc đi theo xe của các hãng sản xuất xe điện (thường từ 1,4 – 7 kW) giúp quá trình sạc diễn ra nhanh hơn.

Hiện nay có rất nhiều sản phẩm, dịch vụ về đo đếm điện năng, các giải pháp đo xa, thiết bị điều khiển để lưới điện Việt Nam ngày càng “thông minh” hơn (Always making power grids smarter). CPCEMEC nỗ lực bắt kịp xu thế phát triển của công nghệ và đi trước một bước trong việc đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.

Nguyễn Hàn Tín

16:40 - 23/06/2022  |  2335 lượt xem

Chia sẻ

TIN BÀI ĐỌC NHIỀU