Tháng Bảy về nguồn

13:09 - 30/07/2022  |  1422 lượt xem

Chia sẻ
Chuyến về nguồn những ngày tháng Bảy đến vùng đất thiêng Quảng Trị sẽ trở thành kỷ niệm không thể nào quên.
Tháng Bảy về nguồn

Đài tưởng niệm Thành Cổ Quảng Trị

Xuất phát từ PC Bình Định, "hành quân" sau một chặng đường từ Quy Nhơn đến Quảng Trị, những ngày trung tuần tháng 7/2022, với cái nóng như đổ lửa của miền Trung, giữa khói hương trầm quyện vào không gian linh thiêng, mỗi một chúng tôi trong đoàn CBNV PC Bình Định ai cũng cảm nhận được sự khốc liệt của chiến tranh và sự hy sinh anh dũng của các chiến sỹ nơi tuyến lửa cách đây hơn nửa thế kỷ trước.

Đến với Khu Di tích lịch sử Thành Cổ Quảng Trị vào một buổi trưa hè đầy nắng, không chờ dừng chân nghỉ ngơi, tâm trạng của mỗi người ai cũng mong muốn được đến dâng hương tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ đã ngã xuống mảnh đất này. Với giọng nói trầm ấm, truyền cảm, thuyết minh viên Khu Di tích đã đưa chúng tôi ngược dòng thời gian cách đây hơn 50 năm về trước để cảm nhận và hiểu hơn về địa danh huyền thoại, nơi ngã xuống của các anh hùng liệt sỹ. Trong 81 ngày đêm mùa hè đỏ lửa năm 1972, nơi đây, trên một diện tích chưa đầy 4km2 đã phải hứng chịu khoảng 328.000 tấn bom, cả một thị xã sầm uất đã thành đống tro tàn "không còn một viên gạch nào dính được vào nhau,“Mỗi mét vuông đất mà các chiến sỹ ta giành được ở Thành cổ Quảng Trị thực sự là một m2 máu”.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Đường 9 là một con đường chiến lược của Mỹ - Ngụy. Đường 9 đã đi vào huyền thoại của quân và dân ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ bởi những chiến công thật hào hùng và oanh liệt, đồng thời là nỗi ám ảnh, kinh hoàng cho binh lính Mỹ, Ngụy trong những năm 1965 – 1972. Nơi đây minh chứng cho một huyền thoại Đường 9 ghi dấu những sự kiện bi tráng trên chiến trường Quảng Trị trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Đây là nơi yên nghỉ của hơn 10.800 anh hùng liệt sỹ.

Cách đó chừng hơn 30km, Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Trường Sơn tọa lạc trên khu đồi Bến Tắt thuộc huyện Gio Linh, là nơi yên nghỉ vĩnh hằng của hơn 10.200 anh hùng liệt sỹ đã anh dũng hy sinh trên tuyến đường mòn Hồ Chí Minh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Nơi đây là một công trình đền ơn đáp nghĩa đồ sộ nhất, quy mô nhất, có tính nghệ thuật cao, thể hiện lòng thương nhớ sâu sắc, niềm biết ơn và sự tôn vinh của Đảng, quân và dân ta với những người con yêu quý trên mọi miền Tổ quốc đã không tiếc máu xương cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng, thống nhất đất nước. 

Tại Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Đường 9 và Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn, đoàn chúng tôi đã dâng hương, dâng hoa tại Nhà tưởng niệm Bác Hồ, Đài tưởng niệm trung tâm nghĩa trang và thắp hương các mộ phần liệt sỹ đồng thời kính cẩn nghiêng mình, dành phút mặc niệm bày tỏ lòng biết ơn vô hạn đối với những công lao to lớn của các anh hùng liệt sỹ đã anh dũng hy sinh vì sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.

Địa đạo Vịnh Mốc, và hệ thống làng hầm Vĩnh Linh là công trình kiến trúc quân sự không tưởng dưới lòng đất, ra đời trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Quân và dân Vĩnh Linh tỉnh Quảng Trị đã tiến hành đào hệ thống làng hầm phân bố khắp 15/22 xã, thị trấn của huyện Vĩnh Linh, được nối thông nhau bằng hệ thống giao thông hào chằng chịt thay cho đường trên mặt đất. Với ý chí “một tấc không đi, một ly không rời” bám trụ chiến đấu bảo vệ quê hương và luôn giữ thông mạch máu của hậu phương ra tiền tuyến.

Ngã ba Đồng Lộc nằm trên đường mòn Hồ Chí Minh đoạn qua xã Đồng Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh. Đây là di tích lịch sử quốc gia gắn liền với sự hy sinh của 10 nữ thanh niên xung phong trong kháng chiến chống Mỹ. Nơi đây, chị Võ Thị Tần, Tiểu đội trưởng Tiểu đội 4, một trong 10 cô gái đã hy sinh tại Đồng Lộc, trong những ngày làm nhiệm vụ chị tranh thủ viết vài dòng gửi mẹ kính yêu "... Mẹ ơi, ở đây vui lắm mẹ ạ, ban đêm chúng nó thắp đèn để chúng con làm đường, còn ban ngày chúng mang bom giết cá để chúng con cải thiện. Bom đạn của chúng có thể làm rung chuyển cả núi rừng nhưng không thể làm rung chuyển những trái tim của chúng con”. Câu chuyện về sự hy sinh của đội ngũ thanh niên xung phong đã gây xúc động mạnh với mỗi thành viên trong Đoàn chúng tôi. Những đôi mắt đỏ hoe, những giọt nước mắt đã rơi trên gò má của mỗi người bởi sự hy sinh, mất mát của những cô gái, tuổi mười tám, đôi mươi. Có những nỗi đau không thể nói thành lời, có những hy sinh không sử sách nào ghi hết, họ đã hy sinh cả tuổi thanh xuân để chiến đấu vì lý tưởng chung của cả dân tộc, họ đã lấy máu xương, tuổi thanh xuân cao quý của mình để hiến dâng cho Tổ quốc.

Đến với di tích lịch sử Thành Cổ, Nghĩa trang Liệt sỹ Đường 9, Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Trường Sơn và những địa chỉ khác như Ngã ba Đồng Lộc, Địa đạo Vịnh Mốc, Khe Sanh,… những địa danh này đã thực sự trở thành địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống cách mạng và tinh thần yêu nước cho các thế hệ hôm nay và mai sau.

Tôi thật sự rất vui vì được tham dự chuyến tham quan về nguồn và cố ghi lại trong tôi nhiều kỷ niệm đẹp để kể lại cho con cháu mai sau. Trong những ngày tháng Bảy lịch sử này, xin được tri ân và ghi nhớ công ơn của những người đã ngã xuống trên mãnh đất hình chữ S. Và chính họ đã làm nên bản hùng ca bất tử vì sự nghiệp giải phóng dân tộc.

Lương Ngọc Vinh

13:09 - 30/07/2022  |  1422 lượt xem

Chia sẻ

TIN BÀI ĐỌC NHIỀU