PC Phú Yên: Chuyển biến trong công tác chuyển đổi số lĩnh vực kinh doanh và dịch vụ khách hàng

14:00 - 08/11/2022  |  768 lượt xem

Chia sẻ
Với mục tiêu chuyển đổi số trong đó khách hàng được hưởng lợi từ khâu yêu cầu dịch vụ đến ký hợp đồng, thanh toán được thực hiện trực tuyến trên nền tảng số. Hiện nay, việc thực hiện chuyển đổi số đã mang lại cho PC Phú Yên những bước chuyển mạnh mẽ từ kinh doanh cung cấp điện sang kinh doanh dịch vụ cung cấp điện, hướng tới phục vụ khách hàng được thuận tiện nhất.
PC Phú Yên: Chuyển biến trong công tác chuyển đổi số lĩnh vực kinh doanh và dịch vụ khách hàng

Chuyển đổi số trong quản lý hệ thống đo đếm

Giai đoạn năm 2020 – 2021, dịch bệnh Covid 19 phức tạp đã ảnh hưởng nhiều đến mọi hoạt động của Công ty. Công tác chăm sóc, dịch vụ khách hàng bị hạn chế. Qua đó, Công ty đã đẩy mạnh truyền thông đến khách hàng nhiều hình thức giao dịch thông qua các loại hình trực tuyến, điện tử, tổng đài Chăm sóc khách hàng 1900 1909, App CSKH, website CSKH,... Kết quả thực hiện các giao dịch trực tuyến qua môi trường mạng, dịch vụ cấp độ 4 của Công ty tăng dần trong các năm. Tỷ lệ giao dịch trực tuyến từ 85,54% năm 2019 tăng lên 89,75% năm 2020, năm 2021 đạt 99,56% và đến 9 tháng đầu năm 2022 đã đạt 99,97%; tỷ lệ giao dịch qua môi trường mạng năm 2020 từ 88,07% tăng lên 93,05% trong năm 2021 và đến tháng 9/2022 đạt 96,59%; đối với tỷ lệ dịch vụ cấp độ 4 từ 55,94% trong năm 2020 tăng lên 84,70% năm tiếp theo và đến tháng 9/2022 đã đạt 99,94%.

Với phương châm "Lấy khách hàng làm trung tâm mọi hoạt động", năm 2018, PC Phú Yên đã tập trung nguồn lực, áp dụng nhiều giải pháp thực hiện số hoá tất cả hợp đồng mua bán điện (HĐMBĐ) với khách hàng, giảm việc lưu trữ hợp đồng giấy. Đến năm 2019, bước đầu thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số của EVN, EVNCPC, PC Phú Yên thực hiện ký HĐMBĐ điện tử với toàn bộ khách hàng đăng ký mới. Đặc biệt, từ tháng 5/2022, PC Phú Yên thực hiện chuyển đổi toàn bộ HĐMBĐ giấy sang hợp đồng điện tử thông qua thông qua mã OTP, USP token. Đến nay, Công ty đã thực hiện được 54,82% trên tổng số HĐMBĐ giấy và phấn đấu hoàn thành 100% trong năm 2022. Việc áp dụng HĐMBĐ điện tử mọi thông tin về hợp đồng các bên dễ dàng truy cập để kiểm tra, nhất là hạn chế thất lạc hợp đồng cho khách hàng. Các hợp đồng điện tử sau khi hoàn thiện sẽ được lưu trữ trên website cskh.cpc.vn để khách hàng có thể tra cứu dễ dàng, thuận tiện.

Chuyển đổi số trong thanh toán tiền điện

Từ năm 2015, PC Phú Yên đã thay thế 100% công tơ cơ bằng công tơ điện tử cho một Điện lực trực thuộc. Sau thời gian triển khai cùng với nhiều cách thức quản lý điều động công tơ hợp lý, đến tháng 12/2021, PC Phú Yên đã thay thế toàn bộ công tơ cơ bằng công tơ điện tử và là một trong bốn đơn vị trong Tổng công ty hoàn thành thay thế 100% công tơ điện tử, sử dụng công nghệ RF-Spider để thu thập dữ liệu từ xa. Với công nghệ đo đếm từ xa, công tơ điện tử giúp quản lý chính xác, kịp thời và chặt chẽ hơn. Theo đó, khách hàng có thể tự quản lý tình hình sử dụng điện trực tuyến, ước tính sản lượng điện sử dụng, cá nhân hóa chăm sóc khách hàng. Đối với ngành điện đã cải thiện được công tác ghi chỉ số, đảm bảo ghi đúng, ghi đủ nhanh chóng kịp thời, giám sát chặt chẽ hệ thống lưới điện, trạm biến áp nhằm xử lý kịp thời chính xác, tính toán tổn thất một cách nhanh chóng, kịp thời dựa vào các chương trình quản lý như CMIS 3.0, RF-Spider, DSPM.

Chuyển đổi số trong Hợp đồng mua bán điện tử

Chuyển đổi số đã giúp “đa dạng hóa hình thức thanh toán tiền điện cho khách hàng” như thanh toán tiền điện qua các đơn vị ngân hàng, bưu điện, các tổ chức trung gian thanh toán, ứng dụng thanh toán trực tuyến qua các App như ViettelPay, VNPay, VNPTPay, Momo, ZaloPay, APay, AirPay hay trích nợ tự động thông qua các ngân hàng và hiện nay là mở rộng qua hình thức Mobile Money. Nhờ nỗ lực trong đa dạng các kênh thanh toán và có những giải pháp, lộ trình chuyển đổi phù hợp, luỹ kế đến tháng 9/2022, tỷ lệ khách hàng thanh toán tiền điện bằng hình thức qua ngân hàng và tổ chức trung gian thanh toán đạt 99,98% với 99,97% doanh thu toàn Công ty, trong khi các tỷ lệ này chỉ đạt 80,88% và 91,12% trong năm 2021, năm 2020 là 69,38% và 86,65%. Trong đó, thanh toán không dùng tiền mặt đạt 99,95%, tăng 29,51% so với cùng kỳ 2021.

Ngành Điện đã và đang đẩy mạnh chuyển đổi số để mang lại cho khách hàng sử dụng điện một môi trường lý tưởng, gia tăng các dịch vụ nhằm tối đa hóa lợi ích cho khách hàng, đáp ứng ngày càng cao nhu cầu của khách hàng. Qua đó, việc này đã góp phần mang lại thành công trong việc triển khai chiến lược phát triển Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021-2025.

Mai Khoa

14:00 - 08/11/2022  |  768 lượt xem

Chia sẻ
Từ Khóa :

TIN BÀI ĐỌC NHIỀU