CPCEMEC: Xây dựng bản đồ số thông tin mã định danh trạm BTS
11:21 - 23/03/2023 | 555 lượt xem
Chia sẻ
Hiện nay, việc kết nối giữa thiết bị đo xa, điều khiển xa sử dụng mạng viễn thông 2G/3G/4G được mô-đun SIM thực hiện tự động kết nối với trạm thu phát sóng viễn thông của nhà mạng (trạm BTS) thể hiện được trạng thái kết nối dữ liệu và độ mạnh sóng (CSQ), tuy nhiên chưa có ứng dụng nào có thể thu thập, mô hình hoá các thông tin mã định danh trạm thu phát sóng BTS của các thiết bị đang kết nối cho người sử dụng dịch vụ quản lý khai thác. CPCEMEC đưa ra ý tưởng xây dựng bản đồ số thông tin mã định danh trạm BTS nhằm tối ưu công tác vận hành hệ thống đo xa, điều khiển xa.
Tính đến tháng 3/2023, toàn miền Trung – Tây Nguyên đã có hơn 28.429 trạm với khoảng 4,6 triệu khách hàng đã và đang triển khai đo xa thu thập dữ liệu qua hệ thống HES RF-Spider, khoảng 20.000 modem đo xa qua hệ thống MDMS, ngoài ra còn có các thiết bị đóng cắt, điều khiển trung thế như Recloser, RTU…
Nhằm thu thập các thông tin của trạm thu phát sóng viễn thông BTS từ các thiết bị đo xa (DCU, Modem RMR Turbojet…) đưa về hệ thống quản lý, thông tin khai thác được đọc từ mô-đun SIM của thiết bị đo xa bao gồm: mã định danh của trạm BTS (là một bộ mã duy nhất gồm số MCC, MNC, LAC, ID), chỉ số cường độ sóng RSSI với trạm BTS đang kết nối và với các trạm BTS lân cận thiết bị; loại thế hệ công nghệ di động đang kết nối 2G/3G/4G. Các thông tin được mô hình hoá hiển thị trên bản đồ: toạ độ của trạm BTS (được lấy từ API cơ sở dữ liệu mở, đầu vào là bộ mã định danh) và toạ độ GPS của các thiết bị đang hoạt động (DCU, Modem RMR Turbojet…)

Hệ thống hiển thị chi tiết các trạm trong phạm vi quản lý
Để tối ưu vận hành hệ thống đo xa, việc quản lý thông tin mã định dạng của trạm BTS là rất cần thiết. Việc này giúp quản lý trực quan chất lượng đường truyền viễn thông và khoảng cách đến trạm BTS gần nhất của các thiết bị, quản lý thiết bị đang kết nối với nhà mạng nào và công nghệ kết nối 2G/3G/4G, quản lý tình trạng phủ sóng di động và chỉ số cường độ sóng của các nhà mạng để chọn loại SIM tối ưu. Bên cạnh đó, hệ thống còn bản đồ hoá được chất lượng kết nối BTS của các thiết bị trong hệ thống đo xa qua mạng viễn thông và hỗ trợ xác định các sự cố riêng lẻ của trạm BTS, cũng như sự cố mất đường truyền đối với một nhà mạng, một khu vực và phạm vi tác động.
Ngoài ra, hệ thống còn sử dụng trường thông tin các trạm BTS lân cận kèm cường độ sóng để có thể phát hiện các thiết bị DCU gần nhau, có thể bị chồng lặp sóng RF để phân khe thời gian thu thập tự động của các hệ thống đo xa sử dụng sóng RF. Hệ thống cũng có khả năng phát hiện sự sai khác về thông tin vị trí lắp đặt của thiết bị khi thông tin trạm BTS đang kết nối ở một khoảng cách rất xa so với trạm BTS đã kết nối trước đó để có thể cảnh báo, hỗ trợ thông tin và lên kế hoạch tối ưu.
Kể từ tháng 12/2022, hệ thống bản đồ số thông tin mã định danh trạm BTS đã được triển khai thí điểm cho 90 thiết bị DCU – của hệ thống thu thập RF-Spider tại Điện lực Đakrông – Công ty Điện lực Quảng Trị. Trên bản đồ, người dùng có thể lựa chọn hiển thị danh sách các trạm đang kết nối mode 2G, 3G hoặc 4G, thông tin SCELL và NCELL của các trạm BTS, thông tin về toạ độ DCU, loại mạng đang kết nối, nhà mạng và cường độ sóng đối với BTS đang kết nối. Bên cạnh đó, bản đồ cũng thể hiện tốt tính năng hỗ trợ đo khoảng cách của 2 vị trí bất kỳ.
Trong bối cảnh toàn EVN đang đẩy mạnh chuyển đối số và thực hiện lộ trình xây dựng lưới điện thông minh, CPCEMEC không ngừng nghiên cứu ứng dụng các ý tưởng mới, ứng dụng công nghệ mới, đặc biệt là trong lĩnh vực vận hành và khai thác hệ thống đo xa, điều khiển xa. Với tinh thần tiên phong trong công tác này, CPCEMEC đã nhanh chóng đưa ra các giải pháp và ứng dụng hiện đại nhằm nâng cao hiệu quả vận hành và khai thác dữ liệu của các hệ thống đo xa và điều khiển xa sử dụng đường truyền của nhà mạng viễn thông. Ngoài ra, đơn vị còn đưa ra các giải pháp xử lý sự cố mạng một cách nhanh chóng và hiệu quả, giúp giảm thiểu thời gian gián đoạn trong quá trình vận hành hệ thống.
Hệ thống bản đồ số thông tin mã định danh trạm BTS do CPCEMEC xây dựng, qua giai đoạn thử nghiệm và ứng dụng thực tế, đã cho những tín hiệu lạc quan. Thời gian tới, đơn vị sẽ tiếp tục nghiên cứu đẩy mạnh ứng dụng hệ thống, phục vụ công tác quản lý vận hành hệ thống điện của các đơn vị điện lực trong EVNCPC và các đối tác, khách hàng.