PC Đà Nẵng: Đánh giá tình hình thực hiện lưới điện thông minh và phương hướng thực hiện giai đoạn 2023-2025

08:38 - 07/04/2023  |  655 lượt xem

Chia sẻ
Nhằm đánh giá năng lực thực hiện và định hướng lộ trình phát triển lưới điện thông minh (LĐTM) cho từng năm, nâng cao các chỉ số LĐTM theo định hướng chung của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), ngày 01/4/2023, PC Đà Nẵng tổ chức hội nghị đánh giá tình hình thực hiện LĐTM và phương hướng thực hiện giai đoạn 2023-2025.
PC Đà Nẵng: Đánh giá tình hình thực hiện lưới điện thông minh và phương hướng thực hiện giai đoạn 2023-2025

Quang cảnh hội nghị

Giai đoạn 2018-2022, PC Đà Nẵng đã từng bước triển khai thực hiện và ngày một hoàn thiện việc xây dựng LĐTM. Kết quả tự đánh giá tình hình thực hiện 07 bộ chỉ số SGI - Smart Grid Index (bao gồm giám sát và điều khiển, đánh giá phân tích dữ liệu, độ tin cậy cung cấp điện, tích hợp các nguồn năng lượng phân tán, năng lượng xanh, an ninh bảo mật, trao quyền và sự hài lòng của khách hàng) theo báo cáo đánh giá của các phòng ban chức năng trình bày tại hội nghị, trong năm 2022, tại PC Đà Nẵng đạt 72,88 điểm. Kết quả này đã cho thấy bức tranh tổng thể về hiện trạng phát triển LĐTM tại Công ty chưa khai thác hết tiềm năng hiện có.

Trong triển khai lộ trình LĐTM tại PC Đà Nẵng, hội nghị ghi nhận những điều kiện thuận lợi khi lưới điện trên địa bàn thành phố cơ bản đã đáp ứng được phần lớn các tiêu chí về đánh giá bộ chỉ số LĐTM của EVN khi đã trang bị đầy đủ các hệ thống thiết bị công nghệ và ứng dụng phần mềm trong tất cả các hoạt động sản xuất kinh doanh, điển hình như: Về lĩnh vực kỹ thuật đã trang bị hệ thống SCADA/DMS tại Trung tâm điều khiển, 100% TBA 110kV vận hành không người trực, xây dựng thành công hệ thống tự động hóa lưới điện phân phối DAS, ứng dụng phần mềm quản lý mất điện; về lĩnh vực kinh doanh dịch vụ khách hàng đã hoàn thành lắp đặt 100% công tơ điện tử, ứng dụng phần mềm quản lý dữ liệu đo xa, 100% khách hàng thanh toán trên thiết bị di động và trực tuyến qua ngân hàng/các tổ chức trung gian thanh toán; và về lĩnh vực công nghệ thông tin đã trang bị đầy đủ hệ thống giám sát, đánh giá và được cấp chứng chỉ về an toàn công nghệ thông tin… Tuy nhiên, đơn vị còn gặp một số khó khăn và nguyên nhân khách quan dẫn đến chỉ số LĐTM chưa cao như: chi phí đầu tư hệ thống quản lý, cơ chế chính sách của nhà nước về phát triển nguồn năng lượng tái tạo tích hợp hệ thống pin lưu trữ, sự phối hợp của khách hàng/chủ đầu tư hệ thống điện phân tán tích hợp trên lưới điện.

Ông Hoàng Đăng Nam - Trưởng phòng Điều độ PC Đà Nẵng trao đổi tại hội nghị về các ý tưởng nhằm cải thiện chỉ số LĐTM

Hội nghị lần này là dịp để các phòng ban chức năng cùng các đơn vị quản lý lưới điện thảo luận, trao đổi, đóng góp các ý tưởng nhằm cải thiện bộ chỉ số LĐTM SGI (Smart Grid Index) phù hợp với tình hình lưới điện hiện trạng, nguồn lực hiện có và khả năng thực hiện. Để thực hiện tốt hơn công tác xây dựng LĐTM, đảm bảo các mục tiêu, kế hoạch đề ra, phấn đấu đạt được kết quả cao trong việc đánh giá các chỉ số LĐTM, trong thời gian đến các đơn vị trong Công ty cần tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp đã đề ra trong hội nghị như: Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các giải pháp nhằm giảm sự cố, giảm thời gian mất điện khách hàng, phấn đấu đưa SAIDI xuống dưới 50 phút vào năm 2030; trang bị thêm các ứng dụng DMS để nâng cao mức độ tự động hóa của Trung tâm điều khiển và xây dựng LĐTM; tiếp tục hoàn thiện các công trình tự động hóa lưới điện phân phối, bổ sung các thiết bị phân đoạn trên các xuất tuyến đã triển khai ứng dụng FLISR; thí điểm lắp đặt công tơ thông minh phù hợp yêu cầu kỹ thuật của bộ chỉ số SGI...

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, ông Lê Hồng Cương – Chủ tịch kiêm Giám đốc Công ty đã nhấn mạnh xu thế phát triển LĐTM tại PC Đà Nẵng nói riêng và EVN nói chung là một yêu cầu tất yếu trong thời gian đến, với những lợi thế về nguồn lực, địa bàn quản lý, những kết quả đã đạt được trong lĩnh vực ứng dụng khoa học công nghệ, mục tiêu của PC Đà Nẵng trong thời gian đến là phấn đấu trở thành một trong những Công ty Điện lực trong EVN về “ứng dụng rộng rãi công nghệ LĐTM” đáp ứng các tiêu chí, tiêu chuẩn quốc tế theo đánh giá của tổ chức SP group, góp phần đảm bảo cung cấp điện an toàn, liên tục, ổn định, hiệu quả phục vụ phát triển kinh tế, xã hội trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.

Trong thời gian đến, PC Đà Nẵng xác định việc ứng dụng công nghệ và đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng lưới điện thành phố Đà Nẵng theo hướng tự động hóa, đảm bảo tích hợp các nguồn năng lượng phân tán là một khâu tất yếu quan trọng cần được thực hiện theo lộ trình phát triển LĐTM của Chính phủ, Bộ Công thương và EVN. Để việc vận hành lưới điện tại PC Đà Nẵng chủ động và giám sát toàn bộ các thiết bị quan trọng trên lưới, nâng cao độ cung cấp điện, quá trình ra quyết định nhanh chóng và chính xác trước trong và sau khi có sự cố, từ đó, tối ưu hóa hiệu suất làm việc, nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh và mang lại hiệu quả thiết thực với khách hàng

Song Việt - Mỹ Vân

08:38 - 07/04/2023  |  655 lượt xem

Chia sẻ

TIN BÀI ĐỌC NHIỀU