GIỚI THIỆU

Thông tin chung


Tổng công ty Điện lực miền Trung (tên viết tắt là EVNCPC), trước đây là Công ty Điện lực 3, được thành lập vào ngày 07/10/1975, là doanh nghiệp thành viên thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), hoạt động đa ngành nghề trong đó ngành nghề chính là sản xuất và kinh doanh điện trên địa bàn 13 tỉnh, thành phố miền Trung - Tây Nguyên.

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải trao tặng Bằng khen Thủ tướng Chính phủ cho Tổng công ty Điện lực miền Trung năm 2015

Hơn 45 năm qua, EVNCPC không ngừng phát triển lớn mạnh. Ban đầu, tài sản chỉ là những tổ máy phát điện diesel cũ kỹ và nhỏ lẻ, lưới điện manh mún, điện năng cung cấp trong toàn khu vực chưa đầy 100 triệu kWh. Đến nay, toàn EVNCPC có 100% số huyện và xã đất liền có điện lưới Quốc gia và 99,65% hộ có điện. Trong đó, số hộ nông thôn có điện đạt tỷ lệ 99,49%. Sản lượng điện thương phẩm thực hiện năm năm 2020 đạt 19,119 tỷ kWh.

Đầu tư xây dựng, cải tạo lưới điện phục vụ phát triển KT-XH khu vực miền Trung - Tây Nguyên

EVNCPC đã thực hiện nhiều dự án cải tạo lưới điện các thành phố, thị xã bằng nguồn vốn của Tổng công ty và vốn vay của các tổ chức tín dụng quốc tế như WB, ADB, Sida, KfW... Tại các khu công nghiệp, khu kinh tế tập trung, EVNCPC đầu tư cả hệ thống lưới điện phân phối để bán điện trực tiếp cho các nhà máy. Với khu vực nông thôn, miền núi, EVNCPC đã và đang triển khai nhiều dự án phát triển điện từ nhiều nhiều nguồn vốn khác nhau như vốn trong nước, tài trợ của WB, EDF, ADB, JBIC… nhằm phát triển kinh tế, cải thiện đời sống của người dân. Đặc biệt trong các năm 2007 - 2010, EVNCPC đã chỉ đạo sâu sát các đơn vị tập trung thực hiện và hoàn thành dự án cấp điện cho 852 thôn buôn Tây Nguyên với 62.646 hộ đồng bào được sử dụng điện. Năm 2014, EVNCPC triển khai thực hiện thành công dự án cấp điện từ hệ thống điện quốc gia cho huyện đảo Lý Sơn - Quảng Ngãi bằng cáp ngầm. Dự án có tổng mức đầu tư 678 tỷ đồng, được khánh thành, đưa vào vận hành chính thức ngày 28/9/2014. Năm 2016, EVNCPC thực hiện hoàn thành dự án cấp điện lưới quốc gia cho đảo Cù Lao Chàm bằng cáp ngầm, dự án có tổng mức đầu tư 484,81 tỷ đồng. Đây là những dự án có ý nghĩa rất quan trọng, đưa nguồn điện ổn định từ lưới điện quốc gia ra phục vụ cư dân các đảo, tạo động lực phát triển, phát huy tối đa tiềm lực, đồng thời góp phần nâng cao năng lực quốc phòng, giữ vững chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Các công trình ĐTXD đều tuân thủ chặt chẽ các quy định của Nhà nước, các quy trình quản lý theo phân cấp của EVN và EVNCPC. Đặc biệt EVNCPC đang triển khai đầu tư các công trình trọng điểm như: Nhà máy thủy điện Cha Val (7 MW); dự án Nhà máy điện mặt trởi Điện lực miền Trung (50MWp) đã phát điện thương mại giai đoạn 1 trong tháng 6/2019 với công suất 10MWp và hoàn thành toàn bộ dự án vào quý IV/2019; dự án cấp điện bằng cáp ngầm xuyên biển cho xã đảo Nhơn Châu, tỉnh Bình Định hoàn thành năm 2020…

Tổng công ty Điện lực miền Trung cũng đang đẩy mạnh các giải pháp thúc đẩy đầu tư điện mặt trời trên mái nhà, trong năm 2020 đã phát triển đạt 2.000 MWp công suất lắp đặt điện mặt trời mái nhà tại các địa phương.

Đưa điện về nông thôn, miền núi phục vụ đồng bào vùng sâu vùng xa, đồng bào các dân tộc thiểu số Tây Nguyên

Trong những năm qua, EVNCPC đã chỉ đạo nghiên cứu, sản xuất thành công công tơ điện tử và phát triển các công nghệ đo đếm hiện đại. Trong đó, nổi bật là hệ thống MDMS phục vụ đọc, quản lý số liệu đo đếm công tơ đối với các khách hàng trọng điểm, các điểm đo đầu nguồn, ranh giới và các trạm 110kV, 220kV, 500kV; hệ thống RF-MESH giúp thu thập chỉ số công tơ từ xa hoàn toàn tự động bằng công nghệ không dây theo kiểu mắt lưới (tên thương mại là RF-SPIDER), hiện đã ứng dụng rộng rãi tại các Công ty Điện lực thành viên của Tổng công ty. Hệ thống có khả năng thu thập dữ liệu hoàn toàn tự động, không cần phải đầu tư bất kỳ đường truyền nào khác, nhân viên ghi chỉ số không cần phải đến từng hộ khách hàng để ghi thủ công như trước đây, giúp nâng cao năng suất lao động và cải thiện chất lượng dịch vụ khách hàng. EVNCPC đã tự sản xuất thành công trạm sạc xe điện, một bước tiến trong việc thúc đẩy ứng dụng năng lượng tái tạo, xây dựng sự quan tâm và hỗ trợ người tiêu dùng nghiên cứu sử dụng ôtô điện, chung tay bảo vệ môi trường.

Hiện 13/13 Công ty Điện lực thành viên EVNCPC đã ứng dụng công nghệ sửa chữa thiết bị điện và lưới điện đang mang điện (sửa chữa hotline), hoàn thành sớm hơn kế hoạch EVN giao 02 năm.

EVNCPC cũng đã hoàn thành đưa vào hoạt động Trung tâm điều khiển xa lưới điện 110kV tại 13/13 Công ty Điện lực; 101/116 trạm biến áp 110kV đã chuyển sang hoạt động không người trực, chiếm 87% tổng số TBA 110kV.

Trong hoạt động quản lý điều hành, EVNCPC đã hoàn thiện Văn phòng điện tử - văn phòng không giấy với ứng dụng CPC-eOffice 7.0, tin học hóa tất cả các khâu ban hành văn bản, xử lý và ký số văn bản mọi lúc mọi nơi bằng thiết bị thông minh cầm tay.

Hợp tác đầu tư phát triển thuỷ điện là một hướng làm ăn mới, mang lại hiệu quả cao của EVNCPC

Năm 2021, EVNCPC tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu ứng dụng công nghệ vào hoạt động sản xuất kinh doanh theo chủ đề công tác năm của EVN – “Chuyển đổi số trong tập Tập đoàn Điện lực Quốc gia Việt Nam”, thực hiện đồng thời với chủ đề năm 2021 của Tổng công ty: “EVNCPC – Phục hồi và phát triển”.

EVNCPC hiện đang có một đội ngũ quản lý giỏi, lực lượng kỹ sư, công nhân lành nghề, có trách nhiệm và tận tuỵ với công việc với tổng số hơn 11.000 CBCNV. EVNCPC có 18 đơn vị trực thuộc, 04 Công ty con và 08 Công ty liên kết, quản lý cung ứng điện trên địa bàn 13 tỉnh, thành phố - từ Quảng Bình đến Khánh Hòa và 04 tỉnh Tây Nguyên (Gia Lai, Kon Tum, Đăk Lăk, Đăk Nông).

Với thành tích đặc biệt xuất sắc, có tầm ảnh hưởng rộng lớn, góp phần tích cực trong sự phát triển kinh tế xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng, nâng cao đời sống nhân dân trong khu vực, EVNCPC được Nhà nước ghi nhận tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Nhất (năm 2013), phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới (năm 2004).

Một số thông tin về Công ty mẹ và cơ cấu tổ chức của EVNCPC:

 1. Công ty mẹ: Tổng công ty Điện lực Miền Trung (sau đây gọi tắt là Công ty mẹ) là công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Tập đoàn Điện lực Việt Nam sở hữu 100% vốn điều lệ, hoạt động theo Luật Doanh nghiệp, có tư cách pháp nhân, có con dấu, biểu tượng, điều lệ tổ chức và hoạt động, có chi nhánh, văn phòng đại diện theo quy định của pháp luật, được mở tài khoản tại Kho bạc nhà nước và các ngân hàng; có trách nhiệm kế thừa các quyền và nghĩa vụ pháp lý của Công ty Địên lực 3; trực tiếp thực hiện các hoạt động sản xuất - kinh doanh và đầu tư vốn vào các công ty con, công ty liên kết; chịu trách nhiệm bảo toàn và phát triển vốn nhà nước tại Tổng công ty và vốn đầu tư vào các công ty con, công ty liên kết. Công ty mẹ có tên gọi tiếng Việt: Tổng công ty Điện lực Miền Trung; Tên tiếng Anh: Central Power Corporation; Tên viết tắt bằng tiếng Anh: EVNCPC; Trụ sở chính: 78A - Duy Tân - Phường Hòa Thuận Đông - Quận Hải Châu - Thành phố Đà Nẵng.

2. Cơ cấu quản lý của Công ty mẹ Tổng Công ty gồm: Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc, Kiểm soát viên, các Phó Tổng giám đốc, Kế toán trưởng và bộ máy giúp việc gồm 16 Ban chức năng.

3. Các đơn vị trực thuộc Tổng Công ty Điện lực miền Trung:

Các Công ty Điện lực Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Gia Lai, Kon Tum, Đăk Lăk, Đắk Nông; Công ty Dịch vụ Điện lực miền Trung.; Công ty Công nghệ thông tin Điện lực miền Trung; Ban Quản lý dự án lưới điện miền Trung, Ban Quản lý dự án điện nông thôn miền Trung, Trung tâm Chăm sóc khách hàng Điện lực miền Trung, Trung tâm Sản xuất thiết bị đo điện tử Điện lực miền Trung, Trường Cao đẳng Điện lực miền Trung, Công ty Tư vấn điện miền Trung.

Các công ty con do Công ty mẹ Tổng Công ty nắm giữ trên 50% vốn điều lệ:

- Công ty TNHH một thành viên Điện lực Đà Nẵng;

- Công ty cổ phần Điện lực Khánh Hoà;

- Công ty TNHH một thành viên Thí nghiệm điện miền Trung;

- Công ty cổ phần Đầu tư Điện lực 3.

Các công ty liên kết do Công ty mẹ Tổng Công ty nắm giữ dưới 50% vốn điều lệ:

- Công ty cổ phần Thuỷ điện Gia Lai;

- Công ty cổ phần Thuỷ điện Định Bình;

- Công ty cổ phần Thuỷ điện miền Trung;

- Công ty cổ phần Thuỷ điện điện lực 3;

- Công ty cổ phần Sông Ba;

- Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển điện miền Trung;

- Công ty cổ phần EVN Quốc tế;

- Công ty cổ phần Sông Ba Hạ;

4. Ngành nghề kinh doanh của Công ty mẹ:

a) Ngành, nghề kinh doanh chính:

- Sản xuất, phân phối và kinh doanh mua bán điện năng;

- Xuất nhập khẩu điện năng;

- Đầu tư phát triển lưới điện có tính chất phân phối; các dự án năng lượng mới, năng lượng tái tạo, các công trình thủy điện vừa và nhỏ;

- Quản lý vận hành, sản xuất, sửa chữa, bảo dưỡng, đại tu, cải tạo, nâng cấp thiết bị điện, cơ khí, điều khiển, tự động hoá thuộc các công trình lưới điện đến cấp điện áp 110kV và các công trình lưới điện 220kV có tính chất phân phối; các công trình thủy điện nhỏ và các nhà máy điện sử dụng năng lượng tái tạo (điện mặt trời và điện gió);

- Thí nghiệm, hiệu chỉnh thiết bị điện; kiểm định an toàn kỹ thuật cho các thiết bị, dụng cụ điện;

- Kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm, lắp đặt, kiểm tra: các loại thiết bị điện, phương tiện đo lường điện, dụng cụ đo lường điện, trang thiết bị điện, bảo vệ, điều khiển;

- Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực phục vụ cho quản lý, vận hành, sửa chữa lưới điện;

- Tư vấn quy hoạch điện lực; khảo sát, thiết kế; tư vấn quản lý dự án; tư vấn lập dự án đầu tư, tư vấn đấu thầu, lập dự toán và giám sát thi công các công trình đường dây và trạm biến áp, các công trình thủy điện vừa và nhỏ, các công trình nhà máy điện sử dụng năng lượng tái tạo (điện mặt trời và điện gió).

b) Ngành, nghề liên quan phục vụ trực tiếp ngành, nghề kinh doanh chính:

- Sản xuất, xuất nhập khẩu, kinh doanh vật tư, thiết bị ngành điện, thiết bị viễn thông-công nghệ thông tin;

- Xây lắp, giám sát lắp đặt thiết bị các công trình đường dây và trạm biến áp, thiết bị viễn thông-công nghệ thông tin;

- Tư vấn khảo sát, thiết kế; tư vấn quản lý dự án; tư vấn lập dự án đầu tư, tư vấn đấu thầu, lập dự toán và giám sát thi công các công trình viễn thông-công nghệ thông tin, các công trình công nghiệp và dân dụng;

- Tư vấn, thiết kế, lắp đặt, giám sát, cấu hình, kết nối mở rộng phần cứng và phần mềm của hệ thống SCADA/DMS, các hệ thống tự động hóa lưới điện, lưới điện thông minh. Tư vấn giải pháp công nghệ tiết kiệm năng lượng và tư vấn thực hiện các dự án tiết kiệm năng lượng.

- Hoạt động tự động hoá và điều khiển; Quản lý vận hành, xử lý sự cố, bảo trì bảo dưỡng, sửa chữa, thay thế, nâng cấp hệ thống SCADA/DMS. Thu thập, xử lý, cung cấp thông tin từ hệ thống SCADA. Kết nối và trao đổi cơ sở dữ liệu với các hệ thống khai thác dữ liệu khác; Đào tạo về lĩnh vực SCADA/DMS, tự động hóa lưới điện, lưới điện thông minh, vận hành các trung tâm điều khiển xa.

- Kinh doanh các dịch vụ công nghệ thông tin: Tư vấn về phần cứng, nghiên cứu thiết kế hệ thống máy tính tích hợp với phần cứng, phần mềm và với các công nghệ truyền thông, quản lý máy tính và tích hợp mạng cục bộ; phát triển và tư vấn đào tạo trong lĩnh vực công nghệ thông tin; sản xuất phần mềm, thiết kế trang web; xây dựng, khai thác và lưu trữ cơ sở dữ liệu; bảo dưỡng và sửa chữa máy tính, máy văn phòng;

- Dịch vụ vận tải phục vụ sản xuất kinh doanh; cho thuê xe có động cơ; cho thuê tài sản, cơ sở hạ tầng điện lực;

- Quảng cáo (trên trang Web của EVNCPC);

- Dịch vụ huấn luyện an toàn lao động.

- Bán buôn các thiết bị đun nước nóng dùng năng lượng mặt trời và các thiết bị tiết kiệm năng lượng điện khác.

- Lắp đặt thiết bị sử dụng năng lượng mặt trời (trừ gia công cơ khí, tái chế phế thải, xi mạ điện tại trụ sở).

- Dịch vụ chăm sóc khách hàng sử dụng điện; dịch vụ chăm sóc khách hàng trong các lĩnh vực khác; dịch vụ tư vấn về phát triển khách hàng sử dụng điện, đánh giá sự hài lòng của khách hàng; cung cấp thông tin về điện cho khách hàng; đào tạo về lĩnh vực chăm sóc khách hàng.

c) Tùy từng thời điểm và tình hình sản xuất, kinh doanh, EVNCPC có thể bổ sung các ngành, nghề kinh doanh khác mà pháp luật không cấm sau khi được EVN chấp thuận.

ĐƠN VỊ LIÊN KẾT

ĐƠN VỊ THÀNH VIÊN