Những biểu hiện vi phạm pháp luật về sử dụng điện

17:14 - 30/09/2019  |  7884 lượt xem

Chia sẻ
Công ty Điện lực Quảng Nam (PC Quảng Nam) hiện có hơn 424.600 khách hàng sử dụng điện trên địa bàn rộng lớn, địa hình hiểm trở. PC Quảng Nam luôn đảm bảo cung cấp điện và không ngừng nâng cao chất lượng dịch vụ điện phục vụ khách hàng, đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn khách hàng tuân thủ thực hiện đúng pháp luật về sử dụng điện. Tuy vậy vẫn còn xảy ra những biểu hiện sai phạm trong quá trình thực hiện hợp đồng mua bán điện (HĐMBĐ) đã ký kết, thậm chí vi phạm pháp luật về điện đã phải chịu hình thức xử lý theo đúng luật định. Sau đây xin nêu những biểu hiện sai phạm trong sử dụng điện:
Những biểu hiện vi phạm pháp luật về sử dụng điện

Kiểm tra viên điện lực tuyên truyền, hướng dẫn khách hàng sử dụng điện đúng pháp luật

Sử dụng điện sai mục đích đã đăng ký

Thực tế có trường hợp khách hàng đăng ký mục đích sử dụng điện trong lĩnh vực này nhưng sau thời gian chuyển sang sử dụng điện cho mục đích ở lĩnh vực khác nhưng không báo với đơn vị ký hợp đồng. Trường hợp này thường biểu hiện dưới 2 dạng:

Một là, không có chênh lệch về giá điện: Đối với dạng này, bên bán điện không bị thiệt hại về tiền điện vì cùng giá bán là giá sản xuất chẳng hạn, nhưng lại gây trở ngại cho đơn vị về công tác quản lý do thiếu hồ sơ pháp lý hợp đồng. Cán bộ phụ trách trực tiếp phải làm việc liên tục với khách hàng mới bổ sung đầy đủ các giấy tờ có liên quan cho bên bán điện để bổ sung hồ sơ HĐMBĐ.

Hai là, có sự chênh lệch giá điện: Ở dạng này, khách hàng đăng ký ban đầu trong HĐMBĐ sử dụng 100% sản lượng điện cho mục đích sản xuất. Qua kiểm tra thực tế, khách hàng có sử dụng thêm một phần hoặc toàn bộ cho mục đích kinh doanh hoặc sinh hoạt gia đình gây thiệt hại cho bên bán điện. Kiểm tra viên (KTV) gặp không ít khó khăn với trường hợp này. Khi bị phát hiện, khách hàng thường phản ứng khá gay gắt, KTV mất nhiều thời gian giải thích và đi lại nhiều lần. KTV kiên trì giải thích đến khi khách hàng hiểu được các quy định của pháp luật về sử dụng điện thì mới truy thu được số tiền chênh lệch giá điện theo quy định.

Sử dụng điện sinh hoạt sai số hộ

Có những trường hợp khách hàng ban đầu ký hợp đồng mua điện có số hộ sử dụng điện nhiều vì có hộ dùng chung. Qua một thời gian, số hộ sử dụng điện giảm do đã tách hộ hoặc di chuyển chỗ ở nhưng khách hàng không báo cho bên bán điện, gây thiệt hại tiền điện cho bên bán điện. Khi phát hiện trường hợp này, KTV giải thích và tuyên truyền cặn kẽ để khách hàng hiểu và báo kịp thời với bên bán điện điều chỉnh số hộ, hạn chế các trường hợp phải truy thu do chênh lệch giá.

Sử dụng vượt công suất đăng ký

Trường hợp sử dụng vượt công suất đăng ký trong HĐMBĐ là vi phạm điểm b khoản 2 Điều 8 trong các điều khoản chung của HĐMBĐ. KTV kiểm tra phát hiện, tính toán thu 8% tiền vi phạm hợp đồng.

Có trường hợp khách hàng tự ý thay thế thiết bị đóng cắt của bên bán điện để sử dụng điện vượt công suất đăng ký. Trường hợp này vi phạm điểm a khoản 3 Điều 12 Nghị định 134/2013/NĐ-CP, ngày 17/10/2013 của Chính phủ. Khi phát hiện, KTV lập biên bản vi phạm hành chính chuyển cho cơ quan thẩm quyền của địa phương xử phạt theo quy định của pháp luật quy định và truy thu tiền bồi thường làm hư hỏng thiết bị (nếu có). Đối với trường hợp khách hàng sử dụng quá công suất đăng ký trong giờ cao điểm, KTV tiến hành kiểm tra thực tế, đo đạc các thông số và lập biên bản làm cơ sở tính toán bồi thường.

Trộm cắp điện

PC Quảng Nam thường xuyên chú trọng hoạt động tuyên truyền pháp luật của Nhà nước về hoạt động điện lực để các tổ chức và cá nhân chấp hành. Tuy vậy vẫn có những trường hợp khách hàng có hành vi trộm cắp điện bằng các hình thức: Câu móc không qua hệ thống đo đếm, can thiệp trực tiếp vào hệ thống đo đếm làm sai số hoặc vô hiệu hóa hệ thống đo đếm của bên bán điện, đảo sơ đồ dấu dây. Hành vi vi phạm được điều chỉnh tại khoản 9 Điều 12 Nghị định 134/2013/NĐ-CP. Khi phát hiện hành vi trộm cắp điện, KTV điện lực giải thích với khách hàng hiểu rõ và tiến hành lập biên bản kiểm tra sử dụng điện để làm cơ sở tính toán bồi thường tiền điện và biên bản vi phạm hành chính để chuyển hồ sơ qua cơ quan thẩm quyền xử phạt theo quy định của pháp luật. Nếu trường hợp trộm cắp điện có sản lượng từ 20.000kWh trở lên có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Với mong muốn nâng cao nhận thức và hiểu biết của khách hàng trong việc sử dụng điện đúng mục đích, đúng thỏa thuận trong HĐMBĐ và đúng pháp luật, nhằm hướng đến việc nâng cao chất lượng dịch vụ khách hàng, cải thiện chỉ tiêu tổn thất điện năng và độ tin cậy cung cấp điện, trong thời gian tới PC Quảng Nam tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn khách hàng sử dụng điện an toàn, hiệu quả và đúng pháp luật. Đồng thời, Công ty tăng cường công tác kiểm tra, xử lý và ngăn ngừa hành vi vi phạm sử dụng điện.

Văn Thông - Tiến Dũng

17:14 - 30/09/2019  |  7884 lượt xem

Chia sẻ

Tin tức khác

TIN BÀI ĐỌC NHIỀU