CPCEMEC: Tích cực đóng góp vào lộ trình hiện đại hóa hệ thống đo đếm

07:28 - 28/12/2022  |  739 lượt xem

Chia sẻ
Ngày 8/11/2012, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định số 1670/QĐ-TTg về lộ trình phát triển lưới điện thông minh tại Việt Nam. Đến nay, sau 02 giai đoạn triển khai thực hiện, Việt Nam cũng đã đạt được một số thành tựu nhất định. CPCEMEC, đơn vị thành viên thuộc EVNCPC, cũng tự hào đã có nhiều đóng góp tích cực trong lộ trình này.
CPCEMEC: Tích cực đóng góp vào lộ trình hiện đại hóa hệ thống đo đếm

Xưởng sản xuất điện tử của CPCEMEC

Từ năm 2010, CPCEMEC đã cho ra đời sản phẩm công tơ điện tử (CTĐT) tích hợp Module RF để phục vụ công tác đo đếm và thu thập dữ liệu từ xa. Từ đó đến nay, CPCEMEC đã sản xuất và cung cấp 5.877.021 sản phẩm các loại để cung cấp cho Tổng công ty Điện lực miền Trung và các khách hàng ngoài EVNCPC.

Quá trình phát triển các sản phẩm mới của CPCEMEC

Sản lượng các sản phẩm theo từng năm của CPCEMEC

CPCEMEC tự hào là đơn vị trong nước đã tự nghiên cứu – sản xuất – thương mại hóa sản phẩm công tơ điện tử (CTĐT) và các giải pháp truyền thông phục vụ công tác đo đếm, thu thập và quản lý dữ liệu điện năng. Trung tâm đã phát triển loạt sản phẩm khác nhằm nâng cao chất lượng cung cấp điện năng (thiết bị giám sát chất lượng điện năng; thiết bị giám sát và cảnh báo sự cố lưới điện trung thế SRFI; thiết bị định vị xuất tuyến…) cũng như sẵn sàng cơ sở hạ tầng cho sạc nhanh ô tô điện trong tương lai với việc chế tạo thành công trạm sạc nhanh xe Ôtô điện chuẩn CHAdeMO. 

Tỷ lệ đóng góp của CPCEMEC trên tổng số CTĐT đã lắp đặt toàn EVN

Một số đóng góp của CPCEMEC trong việc nâng cao các chỉ số đánh giá lưới điện thông minh tại Việt Nam:

Hệ thống quản lý đo đếm MDMS

Hệ thống MDMS (Meter Data Management System) là hệ thống thu thập dữ liệu công tơ từ xa sử dụng đường truyền ADSL/WAN hoặc GPRS/3G được EVNCPC bắt đầu đưa vào sử dụng từ năm 2008. Đến nay, hệ thống MDMS đã được triển khai cho tất cả các điểm đo đầu nguồn, các điểm đo ranh giới, các TBA công cộng và các điểm đo khách hàng lớn. Bên cạnh đó, từ năm 2013 với việc Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia cũng đưa vào sử dụng hệ thống MDMS, dữ liệu các điểm đo đầu nguồn có giao nhận với EVNCPC cũng đã được đồng bộ về hệ thống MDMS EVNCPC.

Trên nền tảng kho dữ liệu lớn, đầy đủ và đa dạng các điểm đo từ đầu nguồn 220kV, 110kV, các nhà máy thủy điện, nhiệt điện… đến các TBA công cộng 0,4kV, hệ thống MDMS đã cung cấp các ứng dụng phục vụ hiệu quả công tác quản lý vận hành (QLVH) tại EVNCPC như: theo dõi tình hình mang tải, lệch pha MBA, đường dây; theo dõi và nghiên cứu phụ tải; tính toán tổn thất điện năng giao nhận đầu nguồn… từ đó giúp EVNCPC xây dựng một hệ thống QLVH trở nên thông minh hơn, là một phần không thể thiếu của lưới điện thông minh.

Hệ thống thu thập chỉ số công tơ công nghệ RF-Mesh (RF-SPIDER)

EVNCPC đã đưa vào triển khai sử dụng hệ thống thu thập chỉ số công tơ hoàn toàn tự động, ứng dụng công nghệ truyền tin không dây theo kiểu mắt lưới (RF-Mesh), sử dụng sóng vô tuyến tầm ngắn UHF tần số 408,925 MHz với tên thương mại là RF-Spider. Hệ thống được phát triển từ thiết bị thu thập cầm tay Handheld-Unit thủ công không dây thành hệ thống AMI nhờ truyền thông hai chiều tương tác giữa hệ thống quản lý đến trực tiếp công tơ thông qua bộ thu thập dữ liệu tập trung. Hệ thống đã kế thừa và phát huy những ưu điểm nổi bật, khắc phục các nhược điểm của phương thức thu thập bằng thiết bị cầm tay, nhưng chi phí bỏ ra là rất thấp, chỉ dựa vào cơ sở vật chất có sẵn của hệ thống lưới điện hiện có và hoàn toàn phù hợp với cơ sở hạ tầng hiện tại của hệ thống điện Việt Nam.

Hệ thống quản lý thiết bị trên nền GIS (RFSPIDER-GIS)

Việc triển khai lưới điện thông minh cần các dữ liệu dựa trên nền tảng hệ thống thông tin địa lý GIS (Geographic Information System) để người quản lý có một cách nhìn trực quan về hạ tầng lưới điện và sự phân bố các thiết bị để phục vụ công tác quản lý, quy hoạch và vận hành hệ thống điện một cách đồng bộ và tối ưu. Nhân viên tại hiện trường có thể cập nhật thông tin lưới điện mới nhất để đưa ra một lịch trình di chuyển tối ưu đến vị trí cần lắp đặt thiết bị hoặc xử lý sự cố. Vì vậy, việc ứng dụng hệ thống GIS sẽ giúp cho việc triển khai và vận hành lưới điện thông minh một cách đơn giản và dễ dàng. 

Nhằm quản lý các đối tượng thuộc hạ tầng mạng lưới điện theo cả không gian và thuộc tính một cách trực quan, CPCEMEC đã xây dựng và phát triển hệ thống thông tin địa lý GIS từ năm 2015 trong công tác quản lý các thiết bị vận hành hệ thống thu thập dữ liệu từ xa, các vị trí công tơ khách hàng sau trạm biến áp công cộng một cách hiệu quả và khoa học, với tên gọi là hệ thống RFSPIDER-GIS. Dù hiện nay hệ thống GIS do CPCEMEC xây dựng không còn được phát triển thêm và chỉ áp dụng tại các khách hàng ngoài ngành nhưng cũng đã đặt nền móng cho việc áp dụng các hệ thống quản lý thiết bị có tính năng tương tự trong ngành điện. 

Lưới điện Việt Nam qua 8 chỉ số đánh giá lưới điện thông minh, theo các tiêu chí đánh giá của GIZ_Deutsche Gesellschaft für Internationale Zusammenarbeit

Công tơ thông minh và các giải pháp quản lý, thu thập dữ liệu khi áp dụng thực tế đã mang lại nhiều kết quả tích cực, góp phần quan trọng trong việc nâng cao chất lượng phục vụ, nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển thương hiệu của CPCEMEC, EVNCPC nói riêng và ngành điện nói chung; góp phần nâng cao chất lượng cạnh tranh toàn ngành, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Các giải pháp công tơ thông minh của hệ thống AMI mà đơn vị đang phát triển phù hợp với xu hướng phát triển hạ tầng của khu vực và thế giới và đáp ứng lộ trình xây dựng hạ tầng hệ thống đo đếm tiên tiến (AMI) theo Quyết định số 1670/QĐ-TTg ngày 08/11/2012 của Thủ tướng Chính phủ, phê duyệt Đề án phát triển lưới điện thông minh tại Việt Nam và Quyết định số 538/QĐ-TTg ngày 01/04/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển Tập đoàn Điện lực Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Nguyễn Hàn Tín

07:28 - 28/12/2022  |  739 lượt xem

Chia sẻ

TIN BÀI ĐỌC NHIỀU