Không nên phụ thuộc nhiều vào thuỷ điện

14:41 - 26/09/2008  |  6086 lượt xem

Chia sẻ
Điện năng rất cần thiết đối với nền kinh tế. Thiếu điện, mọi hoạt động KT-XH đều “ngừng trệ”. Trong nhiều năm qua, mỗi khi đến mùa nắng nóng thì tình trạng thiếu điện xảy ra, gây thiệt hại lớn cho sản xuất, tiêu dùng. Thiếu điện, người ta quy hết trách nhiệm cho ngành điện, nhưng có một nguyên nhân là do cơ cấu nguồn điện không hợp lý, phụ thuộc rất lớn vào thuỷ điện và không có dự phòng.
Nếu dùng xăng, dầu để làm ra 1 chữ điện ít ra cũng hao tổn 3000-4000 đồng chi phí nhiên liệu; dùng khí đốt, ga, than đá, giá thành cũng không dưới 1000-1500 đồng/kWh. Dựa vào thuỷ năng để sản xuất điện, tuy rẻ hơn, nhưng vốn đầu tư lớn, thời gian xây dựng một công trình khá lâu, và chi phí khấu hao, vận hành và giá thành 1 kWh cũng suýt soát 800-1000 đồng/kWh. Điện nguyên tử, vì quá đắt và rắc rối về kỹ thuật an toàn, vốn đầu tư quá lớn, vượt quá tiềm lực của nền kinh tế quốc dân nên chỉ mới được tính đến trong những năm gần đây, song cũng vẫn đang là mơ ước của tương lai.

Ở nước ta do tiềm năng thuỷ điện dồi dào, giá thành rẻ nên trong những năm qua, các nhà đầu tư tập trung vào thuỷ điện, làm tăng tỷ trọng thuỷ điện trong cơ cấu điện năng cả nước. Nếu chỉ chú trọng thuỷ điện mà bỏ qua hoặc ít chú tâm đến các dạng năng lượng khác thì rất dễ bị động trong cung ứng điện, bởi thuỷ điện rất phụ thuộc vào thời tiết. Nắng hạn, bão lũ ảnh hưởng ngưng trệ phát điện, gây thiếu nguồn.

Tất nhiên, trong cơ chế thị trường, nhà đầu tư có quyền lựa chọn đầu tư lĩnh vực mang lại lợi nhuận tối đa. Và cũng xuất phát từ việc Nhà nước định giá bán điện quá thấp nên người ta không thể đầu tư vào các công trình điện dầu, điện than hoặc điện khí để rồi chịu lỗ. Con đường các nhà đầu tư lựa chọn có hiệu quả, có lợi nhuận sẽ là thuỷ điện, nên gần đây rộ lên việc xây dựng nhà máy thuỷ điện. Nhiều tỉnh có tiềm năng thuỷ điện lớn, có trên 50 dự án thuỷ điện lớn, vừa và nhỏ. Các dự án mở rộng, xây dựng mới các nhà máy nhiệt điện than, dầu, khí đốt nhằm bổ sung nguồn điện thường ít được quan tâm nên chậm tiến độ hoặc ngừng thi công cũng bởi lý do không có lãi.

Ở nhiều nước, người ta chủ động xây dựng hàng trăm các nhà máy nhiệt điện (than, dầu, tuabin khí), điện sức gió, địa nhiệt điện, điện mặt trời, kể cả điện nguyên tử bên cạnh thuỷ điện theo một cơ cấu an toàn, bền vững, có dự phòng. Với loại năng lượng chiến lược này, cần một chính sách quản lý vĩ mô, có quy hoạch và điều hoà hệ thống tập trung.

Tầm chiến lược về nguồn điện chính là tính toán quy hoạch, điều phối nguồn lực đầu tư cho các nhà máy điện để đảm bảo cơ cấu nguồn điện hợp lý. Phải tính tới đặc điểm của nhu cầu dùng điện để tạo nguồn cung ứng năng lượng tương ứng. Do nhu cầu dùng điện trong xã hội không diễn ra đồng thời, giờ cao điểm, công suất tối đa, nhu cầu lên đến ngưỡng, giờ thấp điểm các thiết bị đồng loạt nghỉ, nhu cầu xuống rất thấp. Chênh lệch giữa Pmax và Pmin thường gấp đôi nên cần phải hoạch định đầu tư nguồn điện đáp ứng được nhu cầu điện trong giờ cao điểm, để đến giờ thấp điểm chuyển một số nhà máy nhiệt điện sang nghỉ dự phòng.

Để đa dạng hoá nguồn cung ứng và hạn chế rủi ro mất điện, nhiều nước đã tính toán đầu tư nguồn điện thừa công suất so với nhu cầu để có dự phòng. Kể cả điện nguyên tử dù rất đắt nhưng vẫn phải xây dựng. Hơn 90 năm trước, khi thực hiện kế hoạch điện khí hoá, nước Nga đã xây dựng cơ cấu điện: 20 nhà máy nhiệt điện, 10 nhà máy thuỷ điện (tổng công suất 1500MW). Đến năm 2001, điện ở Nga đạt 875,4 tỷ kWh, trong đó, điện nguyên tử 134,95 tỷ kWh (chiếm 15,4%). Các nước trong khối EC (Liên minh Châu Âu), có sản lượng điện nguyên tử 846 tỷ kWh (chiếm 34%). Một số nước có tiềm năng thuỷ điện dồi dào như Hà Lan, Thuỵ Điển…nhưng thuỷ điện cũng không quá 35%. Dù cơ cấu điện hợp lý, cung vượt cầu, nhưng khi thời tiết nắng nóng không phát được thuỷ điện, các nước vẫn kêu gọi người dân dùng điện tiết kiệm để tránh bị cúp điện luân phiên. Thế mới thấy, tỷ trọng thuỷ điện càng lớn, càng phụ thuộc vào thời tiết và đó là một nguy cơ lâu dài.

Ngoài nguyên nhân cơ cấu điện không hợp lý, vấn đề giá điện cũng không khuyến khích được các nhà đầu tư. Hiện tại, Nhà nước chưa điều chỉnh giá điện về đúng với giá trị của nó. Nói chính xác là đang còn bao cấp giá điện, mà hệ lụy là thiếu điện và lãng phí điện còn lâu dài. Bởi giá điện thấp thì mọi hoạt động điện lực phải chịu lỗ; cuối cùng thì ngành điện phải mua đắt, bán rẻ nên phải gánh hết các khoản lỗ này. Vậy thì ngành điện lấy đâu ra vốn mà đầu tư các công trình điện, lấy đâu ra vốn để mua ngoài giá cao, bán ra giá thấp?

Theo tính toán của EVN, hiện tại Việt Nam thiếu khoảng 2000MW. Trên thực tế, sự thiếu hụt này không chỉ dừng lại ở mức đó, bởi càng đến mùa nắng thì mức độ thiếu điện càng nghiêm trọng. Thông qua việc đầu tư nhiều công trình nguồn điện lớn, dự kiến đến năm 2010 nguồn điện cung ứng vào khoảng 16.500-17.000 MW, trong đó thuỷ điện 42,4%, điện than 18,2% và nhiệt điện khí 39,4%. Như vậy, đến lúc này dù khả năng cung ứng có đáp ứng được nhu cầu tăng trưởng của phụ tải thì cũng chỉ cân đối trên lý thuyết, bởi không ai dám chắc rằng thời tiết sẽ ổn định để bảo đảm phát được 42,4% thuỷ điện? Đứng trước một đất nước mà năm nào cũng xảy ra đại hạn thì bên cạnh nguồn thuỷ điện cần phải quan tâm xây dựng các nhà máy nhiệt điện hợp lý để bổ sung và đề phòng những khi thiếu điện. Khi đó, chắc chắn giá điện sẽ phải được điều chỉnh theo nguyên tắc thị trường, người tiêu dùng chịu trả thêm một khoản chi phí tiền điện, song cái lợi toàn cục của đất nước sẽ lớn hơn rất nhiều./

Triều An

Hoa Hồng - Thành Chính - Lê Công - Đậu Tuấn

14:41 - 26/09/2008  |  6086 lượt xem

Chia sẻ

TIN BÀI ĐỌC NHIỀU